Tiếp bài khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Thạch Hãn: Thấy gì sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 23/2020/NĐ-CP tại Quảng Trị?

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định về Quản lý khai thác cát, sỏi và bảo vệ lòng, bờ bãi sông của Chính phủ (Nghị định 23) có hiệu lực vào tháng 4/2020 đã giúp cho các địa phương làm tốt công tác quản lý, khai thác khoáng sản. Trong khi đến thời điểm này, tỉnh Quảng Trị chậm hoặc chưa triển khai dù Nghị định 23 đã có hiệu lực hơn 1 năm qua.

Hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn nhức nhối
Do chậm trễ triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định 23 của Chính phủ đã khiến việc quản lý cũng như xử lý những sai phạm trong việc khai thác cát trên sông Thạch Hãn còn nhiều vấn đề bất cập. 
Tại công văn số 1319/STNMT-KS của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Trị gửi phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, thừa nhận: “Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn diễn ra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, chủ yếu trên sông Thạch Hãn, đoạn từ cầu Thành Cổ về phía hạ lưu sông Thạch Hãn”. Đồng thời, cho rằng các đối tượng khai thác tinh vi, thời gian từ 2 giờ đến 5 giờ sáng và luôn theo dõi lực lượng kiểm tra, lực lượng kiểm tra thì mỏng, kinh phí hạn hẹp, trong khi sự phối hợp giữa các địa phương ở khu vực giáp ranh chưa chặt chẽ.
Tiếp bài khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Thạch Hãn: Thấy gì sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 23/2020/NĐ-CP tại Quảng Trị? - Ảnh 1
Chỉ mới 5 giờ sáng, những chiếc thuyền hút cát trái phép đã hoạt động náo loạn trên dòng sông Thạch Hãn.
Nhiều lần thâm nhập thực tế nạn khai thác cát trái phép trên dòng sông Thạch Hãn, phóng viên đã ghi nhận việc quản lý, xử lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng. Nhiều bãi cát gần chân cầu Thành Cổ ngày vắng bóng thuyền đổ cát, thế nhưng chỉ sáng hôm sau đã đầy ắp và xe ô tô tải ra vào liên tục chở cát đi.
Hòa thượng Thích Hải Tạng - trụ trì ngôi chùa cổ Long An (ngay bên bờ Thạch Hãn) bức xúc: ''Người ta ầm ầm hút cát, vận chuyển cả đêm đến sáng. Việc này kéo dài suốt nhiều năm qua không chỉ đảo lộn mọi sinh hoạt, ảnh hưởng đến đời sống người dân mà gây mất mỹ quan, tác động xấu đến những di tích lịch sử lân cận”.
Theo phản ánh của người dân, 4 giờ sáng 6/5/2021, phóng viên ghi nhận tiếng máy nổ hút cát trên những chiếc thuyền đậu trên sông đã xé tan sự yên tĩnh hai bên bờ sông Thạch Hãn. Những chiếc thuyền chở cát đầy ắp liên tục ra, vào các bãi tập kết.
Ngay bờ sông gần di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, những chiếc thuyền hút cát rồi đưa xuống các bãi tập kết cát dù đây là điểm không được cấp phép. Việc hút cát trái phép gần khu vực này cùng với đợt mưa lũ cuối năm 2020 đã khiến các rọ đá, kè bê-tông dọc Khu lưu niệm kéo dài phía hạ lưu bị hư hỏng nghiêm trọng.
Tiếp bài khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Thạch Hãn: Thấy gì sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 23/2020/NĐ-CP tại Quảng Trị? - Ảnh 2
Một đoạn kè đá gần di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn và phía hạ lưu bị sạt lở, hư hỏng nặng.
Theo đánh giá của Bộ TN&MT, thực tế hiện nhiều địa phương vẫn còn tình trạng san, lấp, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông hoạt động khai thác khoáng sản, cát, sỏi, lòng sông gây hiện tượng sạt, lở bờ sông. Trước thực trạng trên, ngày 5/5/2021, Bộ TN&MT đã có công văn số 2077/BTNMT-TNN gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Chậm triển khai
Hơn 1 năm từ khi có hiệu lực, nhiều huyện, thị xã của tỉnh Quảng Trị vẫn lơi là, thậm chí không hề “nắm” được các quy định tại Nghị định 23 của Chính phủ.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các điểm khai thác, bến bãi dọc theo dòng sông Thạch Hãn (giáp ranh giữa huyện Triệu Phong và thị xã Quảng Trị) thì hầu hết các nội dung trọng tâm thuộc Nghị định 23 vẫn chưa được triển khai thực hiện.
Đơn cử như: Chỉ được phép khai thác từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều; yêu cầu lắp đặt bảng thông báo tại bờ sông thuộc phạm vi khai thác để công khai thông tin giấy phép khai thác, dự án khai thác; cắm mốc các điểm khép góc khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông; lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi mua - bán tại bến bãi, diện tích bến bãi...
Khai thác cát lậu trên sông Thạch Hãn.
Trong khi đó, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị Nguyễn Trường Khoa cho rằng đã chú trọng đến các quy định của Nghị định 23, như đưa nội dung đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông vào báo cáo đánh giá tác động môi trường.
“Tháng 9/2020, Sở đã có văn hành văn bản đề nghị UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì thực hiện nhiệm vụ lập hồ sơ Khoanh định khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh theo Điều 13 của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP”.
Thế nhưng, đó chỉ là một trong nhiều nội dung trong Nghị định 23 được thực hiện. Chưa kể, việc thực hiện này quá chậm chạp khi tình trạng sạt lở bờ sông Thạch Hãn (đoạn qua các thôn Như Lệ, Tân Mỹ, Tích Tường, Tân Lê của xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị) đã kéo dài gần chục năm qua. Hệ lụy là đợt mưa lũ cuối năm 2020 đã khiến dòng sông “ăn” sâu vào bờ nghiêm trọng, đe dọa đến tài sản và tính mạng của cả trăm hộ dân xã Hải Lệ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần