Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp sức cho doanh nghiệp trước cơ hội mới 2013

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện có rất nhiều doanh nghiệp tuy có nền tảng tốt về năng lực sản xuất và thị trường nhưng do có nợ xấu nên không tiếp cận được dòng vốn, ngưng trệ sản xuất kinh doanh. Do đó, việc xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả sẽ giúp nhiều doanh nghiệp như vậy trở lại hoạt động.

Trong thời điểm khó khăn, sự định hướng đúng rất có ý nghĩa đối với doanh nghiệp. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một số doanh nghiệp bày tỏ, Thông điệp đầu năm của Thủ tướng đã xác định rất rõ những chủ trương, giải pháp điều hành trong năm 2013, tạo niềm tin, tiếp sức cho doanh nghiệp đối mặt với thách thức phía trước.

Làm nóng thị trường hàng hóa

Ông Bùi Viết Thưởng, Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại Hải Phòng (Hatraco), cho biết, với doanh nghiệp kinh doanh thương mại vấn đề quan trọng nhất là lưu thông thị trường và ổn định tỷ giá. 

Do vậy, ông rất quan tâm tới những nội dung này trong Thông điệp đầu năm của Thủ tướng. “Chính sách nới lỏng tín dụng, hạ lãi suất và giám sát thực hiện một cách triệt để giải phóng hàng tồn kho, giảm chi phí kinh doanh, qua đó phục hồi sản xuất và làm nóng thị trường lưu chuyển hàng hóa, quả là đúng những điều mà chúng tôi đang mong mỏi", ông Thưởng nói.
 
Tiếp sức cho doanh nghiệp trước cơ hội mới 2013 - Ảnh 1

Bên cạnh đó, việc ổn định tỷ giá hối đoái trong thời gian dài, có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, nhất là nguyên liệu và vật tư nhập khẩu, tránh rủi ro về biến động tỷ giá, gây khó khăn cho sản xuất và kinh doanh.

Ngoài ra, ông Bùi Viết Thưởng đánh giá cao quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính được đưa ra trong Thông điệp, nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Ông Thưởng nói: “Tôi rất mong chờ nhiều cải cách hành chính hơn trong lĩnh vực thuế, hải quan sao cho thông thoáng và minh bạch hơn”.

Nâng sức cạnh tranh quốc tế

Những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn như Công ty Minh Anh (Dak Lak) thì rất quan tâm tới những chính sách, giải pháp có thể giúp nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế như: mức lãi suất ph

ù hợp và khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp.

Theo ông Phan Hùng Anh, Phó Giám đốc Công ty Cà phê Anh Minh, trong sự thành công năm 2012 của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước có vai trò rất quan trọng của điều hành chính sách, trong đó đặc biệt là quyết định cho doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ.

Nhờ đó, sau khi thất thế trước doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2011 và giảm tỷ trọng xuất khẩu xuống dưới 50%, doanh nghiệp Việt Nam đã giành lại vị thế với việc nâng tỷ trọng xuất khẩu cà phê lên 60-65%.

Doanh nghiệp nước ngoài thông qua công ty mẹ vay vốn ở nước ngoài với lãi suất thấp, trong khi doanh nghiệp Việt Nam vay bằng đồng nội tệ với lãi suất trên 10% nên rất khó cạnh tranh.

Đối với ngành hàng nông sản xuất khẩu lớn như cà phê, tỷ giá ổn định và chính sách cho vay ngoại tệ giúp giảm đáng kể chi phí lãi suất vay vốn. Ông Phan Hùng Anh cho rằng, đây là hỗ trợ mang tính quyết định đối với doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, qua đó mà doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Ông Phan Hùng Anh tin tưởng, với nội dung rất rõ ràng về chính sách tiền tệ, tín dụng và hỗ trợ doanh nghiệp trong Thông điệp đầu năm của Thủ tướng, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam sẽ có năm 2013 thành công hơn về kết quả xuất khẩu và mở rộng thị trường quốc tế, đồng thời góp phần tạo dựng chuỗi giá trị trong nước.

Xử lý nợ xấu, tiếp sức cho doanh nghiệp

Hiện có rất nhiều doanh nghiệp tuy có nền tảng tốt về năng lực sản xuất và thị trường nhưng do có nợ xấu nên không tiếp cận được dòng vốn, ngưng trệ sản xuất kinh doanh. Do đó, việc xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả sẽ giúp nhiều doanh nghiệp như vậy trở lại hoạt động.

Ông Nguyễn Văn An, Tổng giám đốc Công ty CP Thái Hòa, cho rằng, một khi có được cơ hội mới để làm lại, những doanh nghiệp này sẽ tận dụng tốt nhất hệ thống và thị trường mà họ đã tạo dựng, do đã rút ra bài học nên họ sẽ có chiến lược kinh doanh tốt hơn và có thể trả nợ ngân hàng, giảm tổn thất so với việc để họ phá sản.

Công ty CP Thái Hòa hiện gặp nhiều khó khăn do nợ xấu nên kỳ vọng nhiều vào sự quyết liệt tái cơ cấu ngân hàng gắn với giải quyết nợ xấu.

“Chủ trương rõ ràng và quyết liệt về xử lý nợ xấu đã tăng thêm hy vọng cho nhiều doanh nghiệp. Chúng tôi mong đợi trong thời gian tới, Chính phủ sớm cụ thể hóa những đường hướng trong Thông điệp, nhất là có giải pháp xử lý nợ xấu nhanh, Chính phủ sẽ giúp hồi sinh nhiều doanh nghiệp”, ông An nói.