Bắt đầu được thực hiện từ ngày 1/1/2008, đến nay chính sách BHXH tự nguyện đã trải qua hơn 11 năm. Năm 2008, cả nước mới có hơn sáu nghìn người tham gia; đến hết tháng 10/2019, BHXH tự nguyện đã đạt khoảng 488 nghìn người, chiếm khoảng 0,9% trong lực lượng lao động trong độ tuổi. Mặc dù đã đạt tốc độ phát triển khá nhanh, nhất là trong một số năm gần đây, nhưng tính theo tỷ lệ, hiện nay số người tham gia BHXH tự nguyện trên cả nước mới chiếm khoảng 0,9% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Với kết quả này, việc phấn đấu có 1% lực lượng lao động tham gia BHXH tự nguyện vào năm 2021 theo Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH đề ra là có thể đạt được, nhưng để đạt mục tiêu 2,5% vào năm 2025 là nhiệm vụ không dễ dàng.
Dù BHXH tự nguyện rất có lợi cho người tham gia, tuy nhiên, việc triển khai chính sách BHXH tự nguyện còn có một số khó khăn, hạn chế. Nhóm đối tượng tiềm năng của chính sách này thường có thu nhập không ổn định cho nên không dễ đóng góp hằng tháng. Đối tượng của chính sách chủ yếu là người lao động khu vực phi chính thức, khu vực không có quan hệ lao động, nông dân, lao động tự do... Họ thường có tính chất công việc không ổn định, mặt bằng thu nhập chung thấp. Do đó, việc trích nguồn thu nhập để tham gia BHXH gặp nhiều khó khăn. Bản thân người lao động cũng đang phải lo trang trải cho các khoản chi phí sinh hoạt trước mắt nên việc tiết kiệm để lo cho tương lai chưa được quan tâm.
Hiện nay, mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, mức đóng năm 2019 bằng 22% mức thu nhập do người lao động lựa chọn. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (27.800.000 đồng). Như vậy, hiện mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 154.000 đồng/tháng và mức đóng cao nhất là 6.116.000 đồng/tháng.
Nhằm tăng sức hấp dẫn cho chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người dân, từ ngày 1/1/2018, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ một phần chi phí cho người dân tham gia, song mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện vẫn được xem là thấp.
“Cần tiếp tục nâng mức hỗ trợ để người dân tham gia BHXH tự nguyện, phấn đấu làm sao đạt nhanh tốc độ tăng BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương”- Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị trong giai đoạn đầu thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, phải nâng mức hỗ trợ lên để “kích cầu” tham gia.
Ông Bùi Sỹ Lợi cho hay, hiện Trung Quốc đang hỗ trợ 50 - 50, tức người dân đóng 100 tệ thì Nhà nước đóng thêm cho 100 tệ. Việt Nam cũng cần thực hiện như vậy và có thể hỗ trợ cao hơn với người nghèo, người cận nghèo. Về dài hạn, đây là việc Nhà nước bỏ tiền ra hỗ trợ trước để không phải chi sau khi người dân cao tuổi, bệnh tật.
Bên cạnh việc tăng mức hỗ trợ, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần thiết kế lại chính sách BHXH tự nguyện như: Tích hợp thêm chính sách BHYT để khi người dân tham gia BHXH tự nguyện thì có luôn thẻ BH Y tế, đồng thời bổ sung thêm chế độ thai sản và ốm đau vào chính sách này để tăng tính hấp dẫn, tạo động lực để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ngoài ra, có lộ trình để giảm dần điều kiện thời gian đóng góp hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới còn 10 năm để mở rộng cơ hội tiếp cận lương hưu. Cũng cần nghiên cứu để bổ sung thêm các chế độ BHXH ngắn hạn, thực hiện các gói BHXH ngắn hạn linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Về giải pháp tăng số lượng người lao động tham gia BHXH tự nguyện nói riêng và tham gia BHXH nói chung, một số chuyên gia thống nhất với các giải pháp trọng tâm gồm: tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, nâng cao tính hiệu quả trong công tác tuyên truyên, tập trung vào đối tượng là người lao động, người dân để họ được hiểu, được biết đầy đủ về những quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện; thực hiện tốt công tác vận động chính sách thông qua vai trò của các tổ chức, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…
Theo thống kê, cả nước có khoảng hơn 40 triệu người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, trong đó chủ yếu là người từ nông thôn ra. Phần lớn các DN nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh sản xuất và NLĐ tự do đều trốn tránh việc không đăng ký lao động, không tham gia các loại BHXH. Vì vậy, theo các chuyên gia, cần nhanh chóng chính thức hóa lao động phi chính thức, khuyến khích tham gia BHXH để bảo đảm quyền lợi cho người lao động thuộc khu vực này. |