Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp sức cho xã nghèo về đích

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - So với mặt bằng chung, hiện nay, các xã khó khăn nơi vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới trên cả nước đang về đích chậm hơn trong thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM).

Một trong những nguyên nhân cơ bản là do các địa phương này có xuất phát điểm khá thấp.

Kết quả đạt thấp

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối NTM T.Ư, tính đến hết tháng 11, cả nước đã có 10 huyện và 1.298 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó có nhiều xã đã đạt đủ cả 19/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí NTM. Tuy nhiên, với các xã ở vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, xã an toàn khu… nơi có xuất phát điểm khá thấp, chỉ đạt được ít tiêu chí ban đầu, kết quả đến nay vẫn còn rất khiêm tốn. Trong số hơn 10.000 xã trên cả nước, có 2.535 xã khó khăn. Trong khi bình quân cả nước đã đạt 13,96 tiêu chí NTM/xã thì các xã khó khăn chỉ đạt khoảng 5,94 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân đầu người của các xã khó khăn là 14,07 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo rất cao, tới 18,56%.
Bữa ăn trưa của học sinh bán trú xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. 	Ảnh: Quang Thiện
Bữa ăn trưa của học sinh bán trú xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Quang Thiện
Kết quả trên cho thấy, chương trình xây dựng NTM ở các xã khó khăn thực sự đang gặp rất nhiều trở ngại do xuất phát điểm quá thấp. Đơn cử như tại Thanh Hóa, trong 573 xã xây dựng NTM, có tới 210 xã miền núi, trong đó 102 xã thuộc 7 huyện nghèo đang thực hiện chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Các xã này có đặc thù là địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, tỷ lệ hộ nghèo cao, mức thu nhập của người dân thấp, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu. Bình quân mỗi xã mới đạt 3,3 tiêu chí NTM, đáng chú ý, chưa có xã nào đạt tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Hay như tại tỉnh Phú Yên, xuất phát điểm của 33 xã thuộc 3 huyện miền núi cũng rất thấp, chỉ đạt bình quân 4,09 tiêu chí NTM/xã trong năm 2012. Ông Trần Hưng Lợi - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM Phú Yên cho biết, đến nay, 3 huyện miền núi bình quân đạt 10,36 tiêu chí/xã. Dù còn khiêm tốn song đây cũng là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.

Tạo thêm động lực

Rõ ràng, đối với các xã khó khăn, nhất là ở các địa phương có nguồn thu ngân sách tại chỗ thấp, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách T.Ư thì việc phấn đấu đạt chuẩn đủ 19 tiêu chí NTM trong vòng 5 năm tới là khó khả thi. Do vậy, cần xác định mục tiêu phù hợp với các xã khó khăn để tạo động lực cho các xã vươn lên, từng bước vượt qua tâm lý ỷ lại, thụ động, trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, cũng cần có những điều chỉnh về cách làm, cơ chế, chính sách để thực sự đảm bảo vai trò chủ thể của người dân nông thôn và cộng đồng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM, hướng tới sự phát triển hài hòa, bền vững.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM T.Ư chia sẻ, trong số 1.298 xã đã đạt chuẩn NTM có cả những xã khi xuất phát điểm chỉ đạt từ 4 - 5 tiêu chí. Như vậy, vấn đề đặt ra là tại sao có nhiều xã khó khăn, xuất phát điểm rất thấp nhưng chỉ sau 5 năm đã đạt chuẩn NTM, trong đó có tiêu chí khó thực hiện là thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo? Ông Tiến cho biết thêm, qua theo dõi và nắm bắt tình hình triển khai xây dựng NTM trên địa bàn cả nước, nhất là ở các xã khó khăn, đã có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra. Trong đó, bài học quan trọng hàng đầu là vai trò chỉ đạo, cách thức tổ chức, sự định hướng và nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ xã. Cùng với đó là sự chủ động và tích cực tham gia của cộng đồng dân cư địa phương.

Để chương trình xây dựng NTM đạt hiệu quả hơn trong giai đoạn 2016 - 2020, Văn phòng Điều phối NTM T.Ư đề xuất cần tập trung nguồn lực cho các xã ở vùng khó khăn. Theo đó, Nhà nước sẽ ưu tiên phân bổ nguồn vốn ngân sách T.Ư cho các xã theo hướng đối với các xã khó khăn và xã nghèo sẽ được hỗ trợ tối thiểu gấp 4 lần các xã không thuộc diện ưu tiên. Dự kiến, nguồn vốn ngân sách bố trí cho chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 tối thiểu là hơn 193.155 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư là hơn 63.155 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 130.000 tỷ đồng.
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối NTM T.Ư, hiện cả nước có 55,6% số xã đạt tiêu chí thu nhập (mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn là 24,6 triệu đồng/năm, tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010); 85,5% số xã đạt tiêu chí việc làm. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (giảm bình quân 2%/năm). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,97% cuối năm 2011 xuống còn 38,2% cuối năm 2013 và 32,59% cuối năm 2014 (bình quân giảm trên 5%/năm), đã có 53,4% số xã đạt tiêu chí hộ nghèo. Dự kiến đến hết 31/12/2015, cả nước sẽ có khoảng 1.450 xã (chiếm 16,8% tổng số xã) đạt chuẩn NTM.