Chặng đường đòi công lý cho những số phận chịu quá nhiều thiệt thòi ấy vẫn đang tiếp tục. Nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam Việt Nam, 100 đại biểu thuộc 30 tổ chức khác nhau của gần 25 quốc gia đã bắt tay, đồng hành cùng Việt Nam tiếp tục đòi công lý.
Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (NNCĐDC), cả nước hiện có hơn 4,8 triệu người phơi nhiễm, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân của 80 triệu lít chất độc hóa học mà quân đội Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam từ năm 1961 đến 1971, gây nên một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người. Hiện nhiều điểm nóng chất độc dioxin vẫn tồn tại và hàng ngày, hàng giờ vẫn đang tác động đến sức khỏe người dân. Thế hệ thứ 3 và thứ 4 vẫn bị ảnh hưởng bởi chất dioxin. Chính từ những nỗi đau ấy, dù đã ba lần bị toà án Mỹ bác đơn, nhưng Hội NNCĐDC Việt Nam cùng những nạn nhân vẫn không hề nản chí. Hội đang củng cố tư liệu, các chứng cứ khoa học để tiếp tục cuộc hành trình tìm công lý cho các nạn nhân, quyết tâm theo đến cùng vụ kiện. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội NNCĐDC cho rằng: "Thời gian chờ đợi 50 năm là quá lâu! Tất cả chúng ta cần hành động và hành động ngay. Hội sẽ còn làm nhiều việc khác. Mới đây, các cựu binh Mỹ đã đệ trình dự luật về hỗ trợ các cá nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam lên Hạ viện Mỹ. Dự luật này kêu gọi hỗ trợ không chỉ cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, mà cả nạn nhân người Mỹ gốc Việt và người Mỹ. Chúng tôi hy vọng Hạ viện, rồi Thượng viện và Chính phủ Mỹ sẽ xem xét dự luật, thực hiện trách nhiệm của Mỹ theo tinh thần đạo lý, như họ nói là sẵn sàng cùng Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh hoá học".
Tại Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam/dioxin lần thứ hai (diễn ra trong 2 ngày 8 và 9/8 tại Hà Nội), bà Jeanne Mirer, đồng điều phối Ban Vận động Cứu trợ và Trách nhiệm chất độc da cam Việt Nam kêu gọi: "Tất cả chúng ta hãy cam kết đoàn kết và đứng bên cạnh nạn nhân Việt Nam và tất cả nạn nhân chất độc da cam khác. 50 năm là quá dài để chờ đợi công lý và bồi thường. Chúng ta hãy cùng nhau đứng lên vì công lý, phẩm giá và chúng ta sẽ giành chiến thắng". Theo bà Jeanner Mirer thì tại Mỹ, dư luận ngày càng hiểu biết về sự cần thiết phải giành công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Hàng triệu người đang kêu gọi Chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc rải chất độc da cam tại Việt Nam. Họ phải đáp ứng trách nhiệm làm sạch những nơi mà chất độc da cam vẫn còn trong đất và chăm sóc cho các nạn nhân đang sống và gánh chịu những hậu quả về sức khỏe. Những người thu về những khoản lợi nhuận bẩn thỉu nhờ sản xuất chất độc da cam, đặc biệt các công ty hóa học khổng lồ, Dow và Monsanto, sẽ không thoát khỏi sự chỉ trích và phản đối của công chúng cho đến khi nào họ phải bỏ một số tiền để bồi thường nạn nhân của họ.
Trong khi đó, ông Len Aldis, một trong người nặng lòng với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, cũng như cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam đã thẳng thắn chỉ rõ: "Mỹ phải thừa nhận trách nhiệm và bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Đó là nghĩa vụ đạo đức của mình. Sớm hay muộn, điều đó phải được thực hiện. Tôi và các cộng sự sẽ tiếp tục thu thập chữ ký để ủng hộ vụ kiện và sẽ đồng hành với các nạn nhân đến cùng".
Cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam dự báo sẽ còn nhiều khó khăn và phức tạp, nhưng Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế luôn tin tưởng, công lý sẽ được thực thi, xoa dịu nỗi đau cho những số phận, cuộc đời mang trong mình di chứng của chất độc da cam.