Chú trọng chất lượng
Sáng 4/9, đến dự lễ khai giảng tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP. HCM), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ghi nhận những kết quả ngành giáo dục đạt được trong thời gian qua, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đang không ngừng áp dụng các phương pháp giảng dạy ngày càng tiến bộ, ngày càng nhiều HS chăm ngoan, học giỏi, đạt kết quả cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. "Đây là thành tựu chung có sự đóng góp tích cực của mỗi thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, mỗi em HS của từng trường học, từng cơ sở giáo dục đào tạo cũng như sự quan tâm chăm lo của các bậc phụ huynh, gia đình, dòng họ và toàn xã hội…" - Thủ tướng bày tỏ.
Tại lễ khai giảng của trường THPT Chu Văn An, ngôi trường có bề dày truyền thống của Thủ đô, thầy và trò nhà trường khẳng định quyết tâm tiếp tục xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực; Xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực; Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo… Đến dự và phát biểu tại lễ khai giảng của nhà trường, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu thầy và trò trường THPT Chu Văn An cần làm tốt 4 nhiệm vụ: Đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục toàn diện cho HS; Điều chỉnh bổ sung kế hoạch dạy và học; Xây dựng tập thể đội ngũ GV nhà trường có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có phẩm chất đạo đức; Chú trọng xây dựng các nguồn lực, đầu tư khai thác các phương tiện dạy học hiện đại.
Có thể thấy, việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học là mục tiêu quan trọng nhất mà toàn xã hội cũng như các cơ sở trường lớp đều quyết tâm hướng tới trong năm học 2012 - 2013.
Học sinh trường THPT Chu Văn An trong ngày khai giảng. Ảnh: Thanh Hải
Lạm thu có dứt?
Những vấn đề "nóng" của ngành giáo dục bấy lâu như thu chi đầu năm học, dạy thêm học thêm lại tiếp tục được xã hội quan tâm khi năm học mới bắt đầu. Bởi tình trạng lạm thu vẫn diễn ra ở nhiều nơi ngay từ khi chuẩn bị bước vào năm học mới.
Bộ GD&ĐT không đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng này trong các hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2012 - 2013. Nhưng khi đem vấn đề "nóng" này chất vấn các nhà quản lý, ông Lê Khánh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính cho hay, Bộ GD&ĐT đã làm việc với các tỉnh, bộ, ngành và thống nhất trình Thủ tướng phê duyệt quyết định chưa tăng học phí trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay.
Để khắc phục tình trạng lạm thu, Bộ GD&ĐT đã tiến hành nhiều giải pháp, trong đó, đảm bảo đủ nguồn đầu tư ngân sách theo quy định, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn chi thường xuyên để cải thiện nguồn chi tại nhà trường. Trước mắt, thực hiện theo nguyên tắc 80 - 20 (80% chi cho con người và 20% chi cho hoạt động), đúng như Quyết định 59/2010/QĐ-TTg để giảm bớt khó khăn. Ông Tuấn cũng cho biết, Bộ yêu cầu các địa phương phải thực hiện tốt các giải pháp theo phân cấp quản lý để bảo đảm kiểm soát chống lạm thu trong nhà trường.
Riêng vấn đề dạy thêm, học thêm ở Hà Nội, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường, yêu cầu giáo viên hướng dẫn HS tự học và tạo điều kiện để HS hoàn thành bài học tại lớp, không yêu cầu HS làm thêm bài tập ở nhà khi đã học 2 buổi/ngày; Nghiêm cấm việc tổ chức dạy thêm cho HS của lớp mình phụ trách (kể cả ngày nghỉ). Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2012 - 2013 cấp tiểu học, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu, không tổ chức các câu lạc bộ ôn, luyện các bộ môn văn hóa: Tiếng Việt, Toán… Đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, thực hiện đúng chế độ thu chi tài chính, tuyển sinh; chống dạy thêm tràn lan và ép buộc HS học thêm ở bậc tiểu học dưới mọi hình thức. Dẫu vậy, dư luận xã hội vẫn băn khoăn không hiểu tình trạng lạm thu, dạy thêm, học thêm… có dứt trong năm học mới này.