Những vấn đề này sẽ xem xét đưa vào nội dung sửa đổi bổ sung Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế giá trị gia tăng dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới.
Từ 1/7, các doanh nghiệp sẽ được áp dụng chính sách ưu đãi thuế mới.Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất xích tại Công ty CP Xích líp Đông Anh.Ảnh: Thanh Hải
Áp dụng một chính sách ưu đãi thuế
Theo đề xuất của Chính phủ, từ ngày 1/7/2013, áp dụng một số quy định về thuế quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Theo đó, doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất thuế TNDN 20%.
Doanh nghiệp thực hiện đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội được áp dụng thuế suất 10% đối với phần thu nhập từ bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội. Những đề xuất này được sự tán thành của Ủy ban TVQH, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, với tổng gói hỗ trợ theo dự kiến 2.647 tỷ đồng chưa tương xứng với mục tiêu đề ra khi ban hành chính sách. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Mức độ lan tỏa, tác động của chính sách không lớn, khó có thể đạt được mục tiêu "hỗ trợ các doanh nghiệp có quy mô nhỏ vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cũng cho rằng, Chính phủ nên tính đến cả những vấn đề trọng tâm của doanh nghiệp như vốn, nợ tồn đọng nhiều, hàng tồn kho.
Đối với chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT), Chính phủ đề nghị giảm 50% số thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội phát sinh từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014; Giảm 30% số thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 phát sinh từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014. Cơ bản tán thành với chủ trương này, nhưng Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn việc giảm thuế giá trị gia tăng có thể sẽ dẫn đến việc chia nhỏ diện tích sàn căn hộ, phá vỡ quy hoạch, thiết kế, kiến trúc. Do vậy, cần xem xét một cách cẩn trọng, toàn diện trước khi ban hành chính sách này.
Theo giải trình của Chính phủ, những giải pháp đưa ra này chỉ mang tính "tạm thời" trong 6 tháng cuối năm 2013, trước khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế giá trị gia tăng có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, để tháo gỡ khó khăn tức thời cho doanh nghiệp. Do đó, UBTVQH thống nhất, không cần thiết phải ra nghị quyết riêng, tất cả những nội dung này nên đưa vào Luật và giao Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội xem xét đẩy nhanh thời hạn có hiệu lực của một số điều khoản trong luật lên 1/7/2013.
Năm 2014, giảm thuế suất phổ thông xuống 22%
Vấn đề được quan tâm trong Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được đưa ra thảo luận lần này là sự điều chỉnh về lộ trình giảm thuế đến năm 2020. Theo đó, cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đều thống nhất quy định giai đoạn 2014 - 2015 áp dụng thuế suất phổ thông là 22%, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng thuế suất 20%. Giai đoạn 2016 - 2020 áp dụng thống nhất mức thuế suất phổ thông là 20%. Tuy nhiên, với lộ trình áp dụng mức thuế suất ưu đãi vẫn còn vênh nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Theo Dự thảo Luật, giai đoạn 2016 - 2020 áp dụng thuế suất ưu đãi 17% đối với các đối tượng đang hưởng mức thuế suất ưu đãi 20% trong giai đoạn 2014 - 2015, giữ nguyên nhóm đối tượng đang hưởng mức thuế suất 10%. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nên hạ xuống 15% đối với doanh nghiệp đang hưởng mức ưu đãi 20%.
Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Chi cục thuế Đống Đa.Ảnh: Thanh Hải
Các thành viên UBTVQH cũng tán thành với việc bổ sung vào diện miễn thuế đối với thu nhập của HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập của HTX hoạt động trong các lĩnh vực này. Riêng với việc ưu đãi thuế với khu công nghiệp và khu kinh tế, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng: Cần có sự xem xét nghiên cứu thêm. Bởi, với 280 khu công nghiệp, nếu áp dụng mức ưu đãi sẽ ảnh hưởng đến các chính sách khác.
Đồng tình với mức thuế suất phổ thông được đưa ra lần này, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: Cần xác định rõ lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ nay đến năm 2020: "Thuế suất 22% từ 1/1/2014; 1/1/2016 là 20%; 1/1/2020 là 18%. Công bố như thế nhà đầu tư sẽ phấn khởi, yên tâm. Chính sách thuế nên đơn giản, nếu phân chia ra nhiều loại (thuế suất - PV) với doanh nghiệp quá sau này dễ tiêu cực. Hơn nữa, nên nghiên cứu tiếp, trong điều kiện hiện nay nếu giảm ngay xuống 20% được thì tốt".
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề xuất, những chính sách ưu đãi về thuế đã quy định tại luật hiện hành không nên giảm, nên mở rộng hơn. Hôm nay, ngày 17/4, UBTVQH sẽ xem xét Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Giá trị gia tăng trước khi trình Quốc hội.
"Đừng nên quá tính toán về con số ngân sách sẽ sụt giảm do giảm thuế, vì doanh nghiệp khó khăn, không có lợi nhuận, làm sao có thể đóng thuế" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng |