Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Vì thế, các hiện tượng bão, lũ, hạn hán, rét đậm xảy ra tại Việt Nam sẽ ngày càng dị thường.

Thiên tai dị thường

Theo báo cáo mới nhất về rủi ro BĐKH đối với Việt Nam, tại Bắc Bộ, các đợt mưa phùn, không khí lạnh giảm rõ rệt, nhưng lại có các đợt rét dị thường. Nắng nóng ở Trung Bộ và Nam Bộ, mưa trái mùa và mưa lớn bất thường hơn. El Nino và La Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến thời tiết, khí hậu tại Việt Nam...

Theo PGS.TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn & Môi trường, nghiên cứu về bão và áp thấp nhiệt đới ở Việt Nam trong 50 năm qua cho thấy, khu vực đổ bộ của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng lùi dần về phía Nam. Số lượng các cơn bão rất mạnh, diễn biến thất thường có xu hướng gia tăng. "Gần đây nhất, cơn bão số 4 (tên quốc tế Vicente) có hướng di chuyển thay đổi nhiều lần và cường độ thay đổi đột ngột. Không một trung tâm dự báo nào trên thế giới có thể dự báo chính xác diễn biến cường độ bão. Cơn bão này được dự báo mạnh nhất cấp 12 nhưng thực tế bão mạnh tới cấp 15" - ông Thục chia sẻ.
 
Tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng - Ảnh 1
Việt Nam được cho là quốc gia chịu nhiều tác động do biến đổi khí hậu. Ảnh: Linh Anh

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư thừa nhận, trong số 13 cơn bão xuất hiện trên khu vực Thái Bình Dương năm nay, nhiều cơn bão có hướng di chuyển khó lường, trái quy luật. Từ nay đến cuối năm, dự báo có 3 - 4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.

Nhiều thách thức

Theo kịch bản BĐKH ở Việt Nam, trong tương lai, diễn biến của các thiên tai, hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ phức tạp. Tuy nhiên, hiện nay, nhận thức của cộng đồng về BĐKH và các hiện tượng khí hậu cực đoan còn hạn chế; sự phối hợp hành động giữa các bộ, ngành chưa đạt được sự đồng thuận cao nên chưa lồng ghép hiệu quả chiến lược ứng phó với BĐKH trong chiến lược phát triển các ngành...

Những người nghèo, những người nông dân, phụ nữ trẻ em, người già, đặc biệt là những người dân nghèo sống ở ven bờ biển hoặc các vùng núi cao là các đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị tác động nhất do BĐKH. "Nếu không có các giải pháp phù hợp, BĐKH có khả năng làm gia tăng tình trạng đói nghèo và kìm hãm tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển. Giải pháp hiệu quả là nâng cao đời sống kinh tế, để họ có điều kiện chống chọi với BĐKH và các hiện tượng khí hậu cực đoan" - TS Rajendra K Pachauri, Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ về BĐKH đánh giá.

Với những thông tin nêu trên, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết, sẽ giúp giới khoa học, các nhà hoạch định chính sách trong quá trình xây dựng, triển khai các chiến lược, kế hoạch, và là tiền đề để Việt Nam đưa ra các phương án chủ động thích ứng với những tác động bất lợi của thời tiết.

 

“Việt Nam là một trong những điểm nóng nhất chịu tác động của BĐKH. Chính BĐKH khiến thiên tai ở Việt Nam ngày càng khó dự đoán. Người nghèo, người dân các vùng đô thị sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các đợt thiên tai, khí hậu bất thường này.” -
TS Rajendra K Pachauri - Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ về BĐKH