KTĐT - Phát biểu với báo chí gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, khẳng định: “Việc tăng lãi suất của các ngân hàng không ảnh hưởng nhiều đến bài toán lợi nhuận". Ông cho rằng trước khi tăng lãi suất, các ngân hàng cũng đã tính toán kỹ bài toán lãi suất để đảm bảo lợi ích kinh tế.
Chỉ trong vòng hai tháng có ngân hàng thương mại tăng lãi suất đến 3 lần, tiếp tục ưu tiên cho các các kỳ hạn ngắn.
So với thời điểm cuối tháng 7/2009, lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng của Ngân hàng Phát triển nhà TP HCM (HD Bank) chỉ tăng 0,29% một năm (từ 9,7% lên 9,99%). Lãi suất cho kỳ hạn 36 tháng thậm chí còn giảm từ 10,2% xuống còn 9,9%. Tuy nhiên, tại các kỳ hạn ngắn (dưới 6 tháng) tốc độ tăng lãi suất vẫn được duy trì ở mức trên 1%.
Xu hướng này cũng khá phổ biến ở hầu hết các ngân hàng thương mại. So sánh với khoảng giữa tháng 8, lãi suất kỳ hạn 1 tháng của Ngân hàng An Bình (ABBank) tăng 0,4%, Ngân hàng Quân đội (MB) tăng 0,55%, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tăng 0,45%...
Chỉ trong vòng 2 tháng, Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) đã tăng lãi suất đến 3 lần. Mức huy động kỳ hạn một tháng của ngân hàng này là 8,2% vào đầu tháng 8 tiếp tục tăng tới 8,75% trong tháng 10 và sáu đợt điều chỉnh gần đây đã chạm mốc 8,85%.
Không chỉ có ngân hàng cổ phần, các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank cũng bám sát diễn biến thị trường. Kể từ ngày 26/10, lãi suất kỳ hạn một tháng tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tăng từ 7,25% lên 7,8%. Mức lãi suất tại các kỳ hạn khách cũng tăng tương ứng.
Một đại diện của ngân hàng này cho biết: "So với các ngân hàng thương mại cổ phần mới ra đời, các ngân hàng thương mại nhà nước có nguồn huy động vốn lớn và ổn định hơn. Tuy nhiên, khi lãi suất bình quân tăng thì các ngân hàng này cũng phải tăng theo để giữ chân khách hàng. Lãi suất tăng nghĩa là ngân hàng vẫn cần vốn để kinh doanh và cho vay nền kinh tế".
Theo giải thích từ phía HD Bank, việc tăng lãi suất liên tục của ngân hàng này cũng như hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần khác chủ yếu là để tăng sức cạnh tranh trên thị trường huy động vốn. Hiện nay các ngân hàng không chỉ phải cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khách như chứng khoán, vàng hay ngoại tệ. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho hoạt động tín dụng cuối năm dự báo sẽ tiếp tục tăng cao.
Những ngân hàng có tốc độ tăng lãi suất huy động cao vẫn báo cáo lãi sau 9 tháng đầu năm. HD Bank hoàn thành 112% kế hoạch lợi nhuận cả năm trong khi Maritime Bank cũng thu lãi tới 700 tỷ đồng...
Phát biểu với báo chí gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, khẳng định: “Việc tăng lãi suất của các ngân hàng không ảnh hưởng nhiều đến bài toán lợi nhuận". Ông cho rằng trước khi tăng lãi suất, các ngân hàng cũng đã tính toán kỹ bài toán lãi suất để đảm bảo lợi ích kinh tế.
Hôm 28/10, Ngân hàng Nhà nước thông báo tiếp tục giữ nguyên các loại lãi suất, trong đó lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam vẫn là 7% một năm.