KTĐT - Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Taner Yildiz tuyên bố, các nhà sinh thái học phản đối những nhà máy điện sử dụng công nghệ tương tự như nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, Ukraine, nhưng lại đồng ý với những lò phản ứng sử dụng công nghệ mới.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25/4 thông báo sẽ tiếp tục dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại thành phố Akkuyu, bên bờ Địa Trung Hải, mặc dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ trong nước sau khi xảy ra thảm họa hạt nhân mới đây tại Nhật Bản.
Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Taner Yildiz tuyên bố, các nhà sinh thái học phản đối những nhà máy điện sử dụng công nghệ tương tự như nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, Ukraine, nhưng lại đồng ý với những lò phản ứng sử dụng công nghệ mới.
Ông Yildiz tuyên bố: "Những nhà máy điện thế hệ thứ nhất sẽ bị đóng cửa. Những nhà máy điện thế hệ thứ ba sẽ xây dựng tại Akkuyu sẽ được tiếp tục thực hiện. Tôi tin rằng, các thành viên của Greenpeace cũng sẽ đồng tình ý kiến này."
Ông Yildiz nhấn mạnh, các biện pháp an toàn trong các nhà máy điện hạt nhân chắc chắn sẽ phải nghiêm ngặt hơn, nhưng sản xuất từ năng lượng hạt nhân cũng sẽ phải tiếp tục. Đó cũng là quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tập đoàn Rosatom (Nga) chịu trách nhiệm xây dựng và khai thác nhà máy điện hạt nhân của Ankara và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25/4 đã thảo luận đến những biện pháp an toàn trong bối cảnh sự lo ngại của người dân ngày một tăng cao.
Giám đốc phụ trách quản lý các Dự án của Rosatom, ông Serguei Boyarkine đã bảo đảm rằng nhà máy này sẽ có độ an toàn cao gấp 20 lần so với nhà mày điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản.
Nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ ba sẽ được xây dựng tại Akkuyu, cách Istanbul về phía Nam 900km, luôn là một vấn đề gây tranh cãi. Sự phản đối này càng tăng lên sau sự cố thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản tháng trước.
Nhưng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối lùi lại các kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Tổng cộng có bốn lò phản ứng, lò thứ nhất sẽ bắt đầu đi vào hoạt động năm 2018. Công việc xây dựng sẽ bắt đầu năm 2013 và kết thúc năm 2021./.