Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/7, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác khuyến nông 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã triển khai 15/22 dạng mô hình khuyến nông, gồm: 9 dạng mô hình trồng trọt, 4 dạng mô hình chăn nuôi và 3 dạng mô hình thủy sản. Trong đó, 6 mô hình trồng trọt đã nghiệm thu đều đạt hiệu quả tốt, được nông dân ủng hộ và đánh giá cao. Đó là các mô hình như: Trình diễn giống lúa mới vụ Xuân, trồng ngô biến đổi gen, trình diễn máy gặt đập liên hợp, dây chuyển gieo mạ khay tự động, máy cấy lúa và máy làm đất đa công suất. Đáng chú ý, các mô hìnhh áp dụng cơ giới hóa vào canh tác lúa đã giúp nông dân tiết kiệm 30 - 50% chi phí sản xuất, giảm công lao động, đáp ứng được tính khẩn trương của thời vụ, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Mô hình trình diễn giống lúa mới Kim Cương 111 vụ Xuân 2017 tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất. 
Đối với các mô hình chăn nuôi, thủy sản do bắt đầu triển khai từ tháng 4 nên hiện đang tiến hành khảo sát chọn điểm, chọn hộ, tập huấn kỹ thuật cho các hộ tham gia. Kết quả, đã lựa chọn được 229 hộ/43 xã đủ tiêu chuẩn tham gia mô hình thủy sản 2017. Hiện tại đã cấp được 1,1 triệu con giống thủy sản, 50.000 con gà Mía, 30.000 con giống gà Ai Cập sinh sản, 200 kg chế phẩm sinh học, trên 130 tấn thức ăn thủy sản cho các mô hình. Riêng mô hình chăn nuôi lợn do giá lợn xuống thấp, người chăn nuôi thua lỗ, thực hiện chủ trương hạn chế tăng đàn nên Trung tâm đã đề xuất Sở NN&PTNT cho phép chuyển sang thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Mô hình có quy mô 90 con hỗ trợ 90 hộ nghèo ở các xã miền núi thuộc địa bàn các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã quản lý, sử dụng và bảo toàn chặt chẽ Quỹ Khuyến nông. Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã thẩm định và lựa chọn được 142 phương án đủ điều kiện vay vốn với số tiền 39,6 tỷ đồng. Theo đó, Hội đồng thẩm định đã phê duyệt 61 phương án với số tiền được duyệt cho vay 17,2 tỷ đồng.
Đến nay, đã tiến hành giải ngân cho 83 phương án (23 phương án từ năm 2016 chuyển sang) với số tiền 19,6 tỷ đồng, còn lại 12 phương án đang hoàn thiện thủ tục thế chấp tài sản. Cùng với đó, Trung tâm cũng tiến hành thu hồi vốn vay Quỹ Khuyến nông của 106 hộ trên địa bàn 19 hộ, thị xã với tổng số tiền 21,8 tỷ đồng. Thu phí quản lý Quỹ của 430 hộ trên địa bàn 21 huyện, thị xã với tổng số tiền 4,2 tỷ đồng.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, trong 6 tháng cuối năm, đơn vị tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình khuyến nông để tiến tới nhân rộng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về lĩnh vực ATTP, quản lý vật tư nông nghiệp, liên kết sản xuất - tiêu thụ nhằm hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất.