Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiết kiệm và đầu tư

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là một trong những nội dung quan trọng của kinh tế vĩ mô và có tác động đến nhiều quan hệ cân đối vĩ mô khác.

Tiết kiệm là kết quả của đầu tư, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và chi tiêu tiết kiệm, tức là phần thu được phải lớn hơn phần vốn đã bỏ ra; phần còn lại (lợi nhuận) cũng không thể đem chi tiêu hết, mà phải tiết kiệm. Nói cách khác, đầu tư có hiệu quả là tiền đề của tiết kiệm và tiết kiệm là kết quả của đầu tư có hiệu quả.
 Lắp ráp linh kiện điện thoại tại Công ty Samsung Việt Nam.   Ảnh:  Thanh Hải
Các chỉ số thống kê qua một số năm gần đây cho thấy, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP của Việt Nam thuộc loại khá cao - có chăng chỉ thấp, thua một số nước, trong đó có Trung Quốc (nhưng Trung Quốc lại có tốc độ tăng GDP cao hơn của Việt Nam). Cơ cấu vốn đầu tư theo nguồn (loại hình kinh tế) tuy có sự chuyển dịch theo hướng tỷ trọng của khu vực kinh tế Nhà nước giảm xuống, của khu vực ngoài Nhà nước và của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng lên. Tuy nhiên, tỷ trọng của khu vực Nhà nước vẫn còn cao, trong khi cân đối ngân sách còn khó khăn, hiệu quả đầu tư của khu vực này thấp nhất; lượng vốn tồn đọng trong dân còn lớn, hiện đang bị chôn vào vàng, ngoại tệ, bất động sản với quy mô lớn; lượng vốn đầu tư nước ngoài tăng, nhưng tính lan tỏa còn ít, việc kiểm soát xả thải chưa tốt. Cơ cấu vốn đầu tư theo ngành còn bất hợp lý, nhất là tỷ trọng đầu tư vào nông, lâm nghiệp - thủy sản, vào công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao... còn nhỏ.
Hiệu quả đầu tư còn thấp. Hệ số ICOR (thể hiện để tạo ra 1 đồng GDP phải đầu tư bao nhiêu đồng vốn đầu tư) của Việt Nam còn rất cao và tăng lên (bình quân 2001 - 2005 mới là 4,88 lần, thì 2006 - 2015 là 6,94 lần).
Về quan hệ giữa tiết kiệm và đầu tư, liên tục có tình trạng tỷ lệ tiết kiệm/GDP thấp hơn tỷ lệ vốn đầu tư/GDP. Do vậy, Việt Nam phải đi vay để đầu tư, làm cho tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài/GDP tăng lên, có loại đã vượt trần phải nới trần (nợ công/GDP đã tăng từ 50% năm 2011 lên 62,2% năm 2015; nợ Chính phủ/GDP tăng tương ứng từ 39,3% lên 50,3%; nợ nước ngoài tăng tương ứng từ 37,9% lên 43,1%). Cân đối ngân sách mấy năm nay gặp khó khăn, ngoài một số yếu tố khác, còn do tỷ lệ trả nợ lãi và trả nợ gốc chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng thu ngân sách; vay mới có một phần quan trọng để bù đắp bội chi ngân sách, để trả nợ gốc...
Từ trạng thái tiết kiệm và đầu tư như trên đặt ra vấn đề cần quan tâm xử lý để cải thiện, vì đây là mối quan hệ quan trọng trong các cân đối kinh tế vĩ mô.