Tiết lộ lý do Nga sớm tạo ra vaccine ngừa Covid-19

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phản hồi trước các lo ngại của phương Tây về độ an toàn của vaccine Sputnik V, các chuyên gia Nga khẳng định sản phẩm dựa trên nền tảng khoa học được nghiên cứu kỹ lưỡng nhiều thập niên qua.

Giám đốc Viện Nghiên cứu Gamaleya Alexader Gintsburg (trái) và Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko tại một cuộc họp báo hôm 12/8.
"Nền tảng này đã được phát triển trong 25 năm cho liệu pháp gen, nhưng đến cuối năm 2014 nó đã được sử dụng để chế tạo các loại thuốc đối phó với những chủng virus biến đổi nhanh nhất", Giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh học Gamaleya, Alexader Gintsburg giải thích, nhấn mạnh rằng đây không phải công nghệ độc quyền chỉ có ở Nga.
Viện Nghiên cứu Gamaleya, cùng Viện Nghiên cứu TsNII thuộc Bộ Quốc phòng Nga, đã hợp tác phát triển Sputnik V - vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được chính thức cấp phép trên thế giới.
Ông Gintsburg nói thêm: "Cũng chính nền tảng này đã được dùng để phát triển vaccine cho Ebola, MERS và một số bệnh khác. Nó cho phép tạo ra vaccine Ebola trong thời gian chỉ khoảng 15 tháng, sau đó đã được đánh giá cao bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)".
Đặc phái viên của WHO tại Nga, David Nabarro, nói việc nước này phát triển thành công vaccine là tín hiệu tốt, cho biết WHO đang mong đợi được xem kết quả thử nghiệm giai đoạn III.
Mặc dù thực tế vaccine Sputnik V chưa hoàn thiện giai đoạn III thử nghiệm lâm sàng, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko vẫn tự tin sản phẩm an toàn và hiệu quả, dựa trên các kết quả thử nghiệm tích cực cả ở động vật và người trước đó.
"Có vẻ các đồng nghiệp nước ngoài cảm thấy được lợi thế cạnh tranh đặc biệt của vaccine Nga và đang tìm cách bày tỏ một số quan điểm hoàn toàn vô căn cứ", ông Murashko nói.
Viện trưởng Alexader Gintsburg, 68 tuổi, thậm chí đã tự tiêm thử vaccine này khoảng 5 tháng trước và cho biết đến nay cảm thấy vẫn khỏe mạnh. Sputnik V được theo dõi điện tử, nên mọi lưu thông của vaccine và kết quả tiêm ngừa đều được truy vết và đánh giá.
Nga có kế hoạch sản xuất 5 triệu liều vaccine kể từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2021, với những lô vaccine đầu tiên dự kiến xuất xưởng sớm nhất là trong 2 tuần nữa. Đối tượng được ưu tiên tiêm ngừa đầu tiên tại Nga sẽ là nhân viên y tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần