Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu chí đào tạo bác sĩ cần thay đổi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề xuất mở ngành đào tạo y, dược của Đại học (ĐH) Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khiến giới chuyên môn băn khoăn nhiều về các tiêu chí mở ngành.

Tiêu chí đào tạo bác sĩ cần thay đổi - Ảnh 1
Theo TS Trần Tuấn - Trưởng ban Thường trực Liên minh vận động phát triển chính sách y tế, nhu cầu đào tạo bác sĩ (BS) thực chất là một quá trình tương tác với khách hàng, gia đình và cộng đồng, vì thế các tiêu chí phải thay đổi.

 Ông đánh giá thế nào về chất lượng đào tạo BS hiện nay?

 - Khoa học luôn phát triển nên cách đào tạo cán bộ y tế hiện nay phải thay đổi so với cách đây 20 năm. Đào tạo BS phải đảm bảo tính khoa học nhưng luôn đổi mới. Nhiều ý kiến cho rằng, đầu vào ngành BS đa khoa có điểm cao, tuy nhiên sản phẩm đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu, bởi ngoài hệ chính quy còn có cử tuyển, chuyên tu. Đào tạo BS thời gian qua bị giảm lòng tin một phần là do chưa có quy chuẩn chất lượng. 
Hay nói cách khác, chuẩn đầu ra không bám sát yêu cầu vận hành thị trường. Cũng là đào tạo BS nội trú, thời kỳ chúng tôi học ở ĐH Y Hà Nội phải đạt yêu cầu học lực trong 4 năm học, đến năm thứ 5 mới bắt đầu ôn thi. Tổng số 130 người tham dự kỳ thi có chưa đến 40 người trúng tuyển BS nội trú.

 Nhưng những năm trở lại đây, có năm trường thi tuyển BS nội trú, có năm thay bằng đào tạo thạc sĩ; có nơi lại cử tuyển. Tôi cho rằng, nếu các trường y vẫn giữ cách làm như hiện nay, vẫn có cử tuyển, chuyên tu, đồng nghĩa chấp nhận hệ giá trị không phù hợp với thực tế. Và người dân hiện nay chắc chắn không đánh đổi tính mạng để lấy loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng thấp.
Giờ thực hành sinh viên trường Trung cấp y tế Hà Nội.  Ảnh: Nguyễn Trung
Giờ thực hành sinh viên trường Trung cấp y tế Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Trung
 Vậy, khi các trường mở thêm khoa, trường mới đào tạo y đa khoa, các yêu cầu về tiêu chí có cần siết chặt hơn, thưa ông?

- Xã hội nhận thấy xu hướng đổi mới trong đào tạo ngành y chưa đủ mạnh cũng như không hứa hẹn sản phẩm đáp ứng, ắt có nhu cầu mở thêm trường, ngành y đa khoa. Nhưng phải xem xét, đánh giá hồ sơ mở ngành, mở trường; thuyết minh cũng như cấu trúc thực hiện có thực sự cho ra sản phẩm mới phù hợp yêu cầu thị trường và khác với cái đang có hay không? Việc này cần có cách nhìn nhận khách quan. Nếu cứ để cho chuyên viên của các Bộ Y tế, GD&ĐT đánh giá sẽ khó nhìn ra bản chất của vấn đề. Hiện nay, nhiều tiêu chí về giáo dục và y tế đang thay đổi, thậm chí đang nói đến cuộc cách mạng trong đào tạo y học. Gần như tất cả những vấn đề về hệ thống, dịch vụ y tế đào tạo ra phải chấp nhận triết lý lấy người bệnh làm trung tâm.

Ông có thể nói rõ hơn triết lý này và thay đổi trong đào tạo?

 - Trước đây, trong khám chữa bệnh, BS ra các quyết định, bệnh nhân chỉ tuân thủ thực hiện. Bây giờ, khi lấy người bệnh làm trung tâm, BS phải phát huy khả năng tối đa bệnh nhân tự phát hiện vấn đề; tự tham gia đánh giá, phân tích; cùng BS đưa ra phương án trị liệu, thực thi, đánh giá kết quả. Với triết lý mới, việc đào tạo BS trước hết phải nhìn nhận con người là cơ thể có khả năng tự điều chỉnh. Sự can thiệp của BS dưới góc độ khoa học để thúc đẩy, tăng khả năng tự điều chỉnh, cân bằng và sửa chữa của cơ thể. Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân phải cung cấp thông tin cho BS để hiểu vấn đề và cùng nhau phối hợp. Người BS còn làm công việc truyền thông, giáo dục bệnh nhân. Họ cũng phải xử lý ngay những vấn đề xảy ra đối với bệnh nhân, đồng thời bàn bạc về thực thi tạo sự thay đổi, dự phòng. Thực chất, BS được đào tạo về khoa học sinh học để hiểu cơ thể con người, khoa học xã hội để nắm được tâm sinh lý và mối tương tác, môi trường sống để thấy rõ tác hại của môi trường, về nghệ thuật truyền thông để chuyển đổi hành vi của người bệnh.

Như vậy, đào tạo BS phải thay đổi rất cơ bản và phải có những tiêu chí mới?

- ĐH Y Hà Nội và các cơ sở khác đào tạo BS làm việc ở môi trường đóng. Bệnh nhân đến, BS khám bệnh tại chỗ, chẩn đoán, xét nghiệm và xử lý theo nhìn nhận chủ quan. Làm việc trong môi trường này, BS phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ, nên đội ngũ này khó hành nghề ở khu vực nông thôn, miền núi vì không đầy đủ các trang thiết bị. Tôi nghĩ ngành y cần nhìn nhận sản phẩm đào tạo ra làm việc ở đâu thì bám vào nhu cầu thực tế. Nếu BS làm ở các bệnh viện hiện đại, phân theo chuyên khoa, cách đào tạo như hiện nay tạm chấp nhận được. Nhưng BS làm việc ở tuyến huyện trở xuống - nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu, phải có kiến thức tổng hợp, vừa khám, phát hiện, chẩn đoán, ra quyết định điều trị, vừa làm tuyên truyền. Như thế loại hình đào tạo phải khác. Còn nếu cứ đào tạo như hiện nay, các bệnh viện đã đầy ắp, đưa xuống tuyến dưới lại không dùng được.

 Xin cảm ơn ông!