Tiêu điểm kinh tế tuần: Vàng, chứng khoán chao đảo vì tân Tổng thống Mỹ

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với diễn biến kịch tính của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, thị trường vàng và chứng khoán Việt Nam cũng có một ngày đầy biến động.

Vàng nhảy mua - Chứng khoán đỏ sàn
Vào sáng 9/11, giá vàng trên thị trường Việt Nam giao động quanh mức 35,85 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,26 triệu đồng/lượng (bán ra). Tuy nhiên, cùng với sự kịch tính của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, giá vàng trong nước cũng nhảy múa liên tục.
Đến 15 giờ, sau khi ông Trump thắng cử, giá vàng vẫn tiếp tục đà tăng và cán mốc 37,35 triệu đồng/lượng chiều bán. Khoảng cách chênh lệch giá mua vào - bán ra cũng được nới rộng lên tới 550.000 đồng/lượng. Mặc dù vậy, chỉ khoảng 30 phút sau, giá vàng lại có chiều hướng giảm xuống còn 36,550 triệu đồng/lượng (mua vào) và 37,2 triệu đồng/lượng (bán ra).
Như vậy, so với giá mở cửa buổi sáng, giá vàng trong nước đã tăng hơn khoảng 1 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới hơn 2 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong nhiều tháng qua.
 
Khác với vàng, thị trường chứng khoán Việt trong ngày 9/11 lại thê thảm hơn khá nhiều. Mở đầu phiên giao dịch sáng thị trường đã gặp áp lực bán tăng mạnh đối với hầu hết các mã. Đáng chú ý, những mã cổ phiếu vốn hóa lớn và nhóm blue chip giảm đã kéo chỉ số VN-Index tụt 9,46 điểm xuống 667 điểm vào thời điểm hơn 10 giờ sáng. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở sàn Hà Nội, khiến chỉ số HNX-Index giảm 0,94 điểm xuống 80,32 điểm.
Tới đầu giờ chiều, chỉ trong vài phút mở cửa, VN-Index đã tụt dốc không phanh gần 20 điểm xuống còn 657 điểm, HNX-Index giảm hơn 3% còn 78,7 điểm. Tại thời điểm này, lợi thế đang thuộc về ông Trump. Tuy nhiên, ngay sau đó tốc độ giảm đã dần chậm lại. Đến 16 giờ, VN-Index chỉ còn giảm 6 điểm, xuống 670,26 điểm.
Kết thúc giao dịch hôm nay đã ghi nhận 114 mã tăng/328 mã giảm. VN-Index giảm 0,92% và HNX-Index giảm 1,42%.
Vinastas lộ nhiều vi phạm trong cuộc khảo sát nước mắm
Tuần qua, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas).
Về kết quả khảo sát nước mắm của Vinatas, Bộ Công Thương khẳng định, kết quả kiểm tra cho thấy việc khảo sát nước mắm của Vinastas là không đảm bảo tính độc lập, tin cậy và minh bạch.
 
Việc Vinastas đồng nhất khái niệm Arsen nêu tại Quy chuẩn Việt Nam QCVN 8-2:2011/BYT với “thạch tín”, một chất cực độc, đồng thời khẳng định “95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá là hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định” là không đúng, không có cơ sở khoa học và gây nhầm lẫn, hoang mang cho người tiêu dùng.
Bộ Công thương cũng khẳng định hoạt động khảo sát được Vinastas thực hiện dưới sự tài trợ từ tổ chức bên ngoài, vì vậy, cũng không đảm bảo tính độc lập như quy định tại Điều 28, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Căn cứ kết quả kiểm tra và các đánh giá nêu trên, Bộ Công Thương đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Vinastas cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các nội dung thông tin sai lệch về khảo sát nước mắm gây hoang mang trong dư luận; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý theo Điều lệ các cá nhân liên quan.
Chủ tịch FLC chính thức thành tỷ phú giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam
Trong phiên giao dịch chiều 11/11/2016, tổng tài sản của ông Trịnh Văn Quyết đã đạt 30,8 nghìn tỷ đồng. Con số này đã vượt qua mức 30,7 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup. Như vậy, ở thời điểm đó, ông Quyết đã trở thành người giàu nhất Việt Nam tính theo thị trường chứng khoán.
 
Cụ thể, vào lúc 14h20 chiều 11/11, cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng Faros đã đạt mức 108.600 đồng/cổ phiếu. Trong tay ông Quyết hiện nắm giữ xấp xỉ 280 triệu cổ phiếu ROS, quy đổi ra giá trị vào khoảng hon 30 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông Quyết còn sở hữu 109 triệu cổ phiếu FLC, trị giá lên khoảng hơn 770 tỷ đồng. Tính tổng lại, ông Quyết đang nắm giữ được số cổ phiếu có giá trị khoảng 30,8 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, với 724 triệu cổ phiếu VIC, ông Vượng có khối tài sản tương đương gần 30,7 nghìn tỷ đồng. Ông Vượng từng giữ vững ngôi vị giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2010 và năm 2014.

Ví trí ngôi vị tỷ phú số 1 trên sản chứng khoán Việt Nam thuộc về tay ông Quyết chủ yếu nhờ sự tăng giá mạnh của cổ phiếu ROS, từ mức chào sàn 10.500 đồng/cổ phiếu hôm 1/9/2016. Cũng nhờ cổ phiếu này, hôm 27/10 vừa qua, ông Quyết đã thành tỷ phú USD thứ 2 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đóng cửa đa cấp Hoàng Kim
Tuần qua Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã có thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Network Hoàng Kim trên phạm vi toàn quốc do doanh nghiệp này thay đổi phương thức kinh doanh.
 
Đa cấp Hoàng Kim có trụ sở chính ở Quận Cầu Giấy, Hà Nội, được Cục Quản lý cạnh tranh cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng lần đầu ngày 8/6/2015, sửa đổi bổ sung lần 1 ngày 12/8/2015. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này là ông Nguyễn Văn Minh.
Trước đó, công ty này đã từng gây ồn ào dư luận khi ban giám đốc ôm tiền bỏ trốn. Cụ thể, tháng 7 năm nay, sau khi báo chí phanh phui những sai phạm của các đơn vị đa cấp biến tướng, công ty Hoàng Kim đã đột ngột đóng cửa. Ban giám đốc công ty này đã ôm tiền huy động từ người dân ở các nhánh rồi đột ngột cắt đứt mọi liên lạc. Hàng nghìn người dân ở các tỉnh Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định... có nguy cơ mất trắng tiền tỷ đã đóng vào công ty này, trong đó có những người đầu tư tới 2 - 3 tỷ đồng. Hiện nhiều người vẫn chưa lấy lại được tiền.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần