Tiêu điểm tuần qua: Bộ Chính trị thi hành kỷ luật đối với ông Trương Minh Tuấn

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Chính trị thi hành kỷ luật với ông Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son; Thanh tra việc lãnh đạo ACV bổ nhiệm hơn 70 người trước khi nghỉ hưu; Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo Tổng Bí thư về 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ... là nội dung chú ý tuần qua.

Bộ Chính trị thi hành kỷ luật với ông Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son
Ngày 12/7/2018, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Trương Minh Tuấn (trái) và ông Nguyễn Bắc Son (phải).
Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Tờ trình số 122-TTr/UBKTTW, ngày 6/7/2018 về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011 - 2016 và đồng chí Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020, Bộ Chính trị nhận thấy:
Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông đã vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng, đã làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động và quá trình cổ phần hóa của Tổng Công ty Mobifone, đến uy tín của tổ chức đảng và Bộ Thông tin và Truyền thông, gây bức xúc trong xã hội; để một số đồng chí lãnh đạo Bộ vi phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng trong thực hiện nguyên tắc làm việc và chức trách, nhiệm vụ được giao. Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011 - 2016 bằng hình thức cảnh cáo.
Đồng chí Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng nhiệm kỳ 2011 - 2016. Đồng chí đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, không bàn bạc, thảo luận trong tập thể Ban cán sự đảng, trực tiếp chỉ đạo và quyết định nhiều nội dung liên quan đến Dự án không đúng quy định; ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án và giao cho cấp dưới ký một số văn bản liên quan đến Dự án có nội dung trái quy định, không đúng nhiệm vụ được phân công; thiếu chỉ đạo, kiểm tra quá trình thực hiện Dự án, để xảy ra nhiều vi phạm rất nghiêm trọng.
Đồng chí Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. - Trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng, đồng chí cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Đồng chí đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo trong quá trình được phân công chỉ đạo thực hiện Dự án; ký Quyết định số 236/QĐ-BTTTT, ngày 21/12/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Dự án và một số văn bản có liên quan trái quy định, có văn bản không thuộc nhiệm vụ được phân công.
Với cương vị Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng từ tháng 4/2016 đến nay, đồng chí chịu trách nhiệm chính về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Những vi phạm của đồng chí Nguyễn Bắc Son và đồng chí Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng. Căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương quy định thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật đảng và Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/12/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị đã quyết định:
Thi hành kỷ luật đồng chí Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với đồng chí Trương Minh Tuấn bảo đảm đồng bộ, kịp thời với kỷ luật của Đảng theo quy định.
Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét thi hành kỷ luật nghiêm minh đối với đồng chí Nguyễn Bắc Son theo thẩm quyền.
Thanh tra việc lãnh đạo ACV bổ nhiệm hơn 70 người trước khi nghỉ hưu
Bộ Giao thông vừa phê duyệt quyết định giao Thanh tra bộ kiểm tra trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động bổ nhiệm, luân chuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc ACV. 
Thời kỳ thanh tra từ đầu năm 2016 đến nay và một số giai đoạn liên quan. Đại diện Thanh tra Bộ Giao thông cho biết, đơn vị sẽ tập trung xem xét quy định nội bộ của ACV liên quan đến công tác bổ nhiệm, việc đảm bảo tiêu chuẩn bổ nhiệm các chức danh.
Qua thanh tra, cơ quan chức năng ghi nhận những ưu điểm để tiếp tục phát huy, đồng thời yêu cầu xử lý những vấn đề còn tồn tại, hạn chế.
Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng sẽ về hưu từ giữa tháng 7. Trong hai tháng trước khi nghỉ hưu, ông Hùng đã ký 76 quyết định bổ nhiệm trưởng, phó phòng trong Tổng công ty; các nhân sự mới nhận nhiệm vụ từ ngày 1/7.
Trong các quyết định này, có một số phòng, ban được bổ nhiệm cùng lúc 3 lãnh đạo (một trưởng, hai phó), như Phòng Mua sắm, Phòng Công trình kiến trúc, Phòng Sân đường, Phòng Kỹ thuật thiết bị… Các quyết định bổ nhiệm được dẫn theo nghị quyết của Ban thường vụ Đảng uỷ và theo đề nghị của Ban Tổ chức - Nhân sự.
Xung quanh vấn đề trên, đại diện ACV cho hay trong tháng 4 và 6/2018, Tổng công ty đã thực hiện bổ nhiệm, điều động các chức vụ tương đương do thay đổi về cơ cấu tổ chức với 15 trường hợp, trong đó 3 cán bộ cấp ban và 12 cán bộ cấp phòng; bổ nhiệm 53 cán bộ trong quy hoạch đã được đề nghị từ năm 2016; bổ nhiệm mới 36 cán bộ trong quy hoạch.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV cho hay, việc ký quyết định bổ nhiệm cán bộ của ông Lê Mạnh Hùng không phải là quyết định cá nhân mà là trách nhiệm thực hiện theo thẩm quyền đã được phân cấp. Nhu cầu kiện toàn tổng thể nhân sự quản lý các cấp của Tổng công ty cũng như các chi nhánh được đặt ra từ năm 2015, đặc biệt sau khi Tổng công ty chuyển sang mô hình công ty cổ phần từ năm 2016.
Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo Tổng Bí thư về 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ
Sáng 11/7, tại Hà Hội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có cuộc làm việc với cán bộ chủ chốt Bộ Công Thương. ​Thời gian qua, công thương được coi là ngành “nóng” nhất cả nước với các cuộc cải tổ về thể chế cũng như vấn đề về 12 đại dự án thua lỗ…
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với cán bộ Bộ Công Thương.
Tại cuộc làm việc, Bộ Công Thương đã báo cáo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều vấn đề "nóng" như tiến độ xử lý 12 dự án thua lỗ, việc khắc phục các sai sót của giai đoạn trước về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ...
Cụ thể tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, từ năm 2016 đến nay, kinh tế thế giới có nhiều biểu hiện phục hồi rõ nét hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc về kinh tế và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, đặc biệt là sự chuyển hướng trong chính sách thương mại của một số nước lớn, cũng đã gây ra những thách thức không nhỏ cho kinh tế Việt Nam.
Ở trong nước, bên cạnh những vấn đề tồn tại nhiều năm như chất lượng tăng trưởng chưa cao, năng suất lao động và sức cạnh tranh còn thấp thì sự sụt giảm của ngành khai khoáng cùng với diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp cũng đã đặt ra những thách thức to lớn cho mục tiêu tăng trưởng của cả nước.
Điểm tích cực là các kết quả sản xuất, kinh doanh toàn ngành cho thấy, hoạt động của ngành công thương đã có những dấu hiệu tăng trưởng, phát triển nhất định.
Xuất khẩu vẫn trên đà tăng trưởng tốt, chỉ số sản xuất công nghiệp nói chung đạt mức tăng trưởng khả quan, bảo đảm cân đối cung cầu thiết yếu và hàng tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng cao...
Đáng chú ý, ông Trần Tuấn Anh cho biết, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng, mức độ thiệt hại của 12 dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương và hoàn thành việc xây dựng phương án xử lý dứt điểm các dự án, DN này trình Thường trực Chính phủ, Bộ Chính trị xem xét.
Sau hơn 1 năm triển khai xử lý, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, đó là dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Dự án nhà máy thép Việt Trung.
Bốn dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định, đó là Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Công ty DQS.
Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại được một phần của nhà máy, đó là dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.
Đối với 3 dự án trước đây đầu tư xây dựng dở dang, ngoài dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng tồn kho, 2 dự án còn lại đều đang tích cực thực hiện các biện pháp để tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên).
Bên cạnh các kết quả đạt được, ngành công thương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số chiến lược, quy hoạch trong ngành vẫn còn chậm bổ sung, sửa đổi bảo đảm tính khoa học, phù hợp với bối cảnh mới của đất nước và gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Định hướng chiến lược trong phát triển ngành công nghiệp theo hướng giảm phụ thuộc vào lợi thế cạnh tranh không bền vững vẫn chưa được chỉ đạo triển khai rõ nét. Tính chủ động trong nghiên cứu và triển khai thực hiện phát triển công nghiệp theo hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vẫn còn hạn chế.
Trong các lĩnh vực sản xuất, công tác thị trường và dự báo cung cầu còn yếu, thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả, chưa gây dựng được những hạt nhân dẫn dắt và cơ chế liên kết sản xuất với thị trường để giảm rủi ro.
Các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến vẫn chậm phát triển. Sản xuất và xuất khẩu vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu.
Quản lý thị trường trong nước và thương mại biên giới tuy có những tiến bộ song vẫn còn nhiều mặt bất cập. Buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm chưa được khắc phục triệt để.
Hà Nội sẽ chủ trì tổ chức SEA GAMES 31 vào năm 2021
Chiều 9/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về chủ trương đăng cai tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 vào năm 2021.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về chủ trương

đăng cai tổ chức SEA Games 31

Nếu theo thứ tự luân phiên, Campuchia sẽ tổ chức SEA Games 31 vào năm 2021 và Việt Nam sẽ đến lượt đăng cai SEA Games vào năm 2023. Tuy nhiên, do chưa có đủ điều kiện nên Campuchia đã đề nghị và được Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) chấp thuận cho đăng cai tổ chức SEA Games 32 vào năm 2023. SEAGF đã gửi thư cho phía Việt Nam thông báo về việc SEAGF dự kiến trao quyền đăng cai tổ chức SEA Games 31 vào năm 2021 cho Việt Nam.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc đăng cai tổ chức SEA Games 31 theo đề nghị của SEAGF là thích hợp. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc tổ chức SEA Games 31 năm 2021 tại Việt Nam, đồng thời giao UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo ý kiến của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND TP Hà Nội, TP Hà Nội cơ bản đáp ứng về cơ sở vật chất để tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11. 
Các cơ sở vật chất tại Hà Nội hiện nay cũng đã được bảo dưỡng, nâng cấp một bước để chuẩn bị tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII trong năm nay. TP Hà Nội có nhiều kinh nghiệm và đủ nguồn nhân lực để tổ chức sự kiện này vì đã từng tổ chức SEA Games 22 năm 2003, Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á năm 2009 cùng nhiều sự kiện thể thao quốc tế lớn khác.
Ý kiến phát biểu của Thường trực Chính phủ thể hiện nhất trí việc Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11, giao TP.Hà Nội chủ trì tổ chức.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao quyết tâm của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Hà Nội và các bộ, ngành, địa phương liên quan; cho rằng đây vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự của Việt Nam, một thành viên tích cực của ASEAN, đồng thời là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước.
Nhất trí giao Hà Nội chủ trì tổ chức sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Ban cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng tờ trình báo cáo Bộ Chính trị về việc đăng cai tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 tại Hà Nội.
Nhấn mạnh tinh thần tổ chức an toàn, tiết kiệm, tạo được dấu ấn, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hà Nội tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, có phương án chi tiết để triển khai; xã hội hóa nguồn lực tối đa. “Hà Nội cần tận dụng cơ sở vật chất hiện có, hạn chế việc xây, mua sắm mới và đặc biệt, xây dựng phương án kinh phí thực sự tiết kiệm, hiệu quả”, Thủ tướng nêu rõ.
Ngành thể dục thể thao cần tích cực chuẩn bị về chuyên môn để làm sao đạt được thành tích cao nhất tại Đại hội thể thao quan trọng của khu vực này.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian tổ chức SEA Games 31 (khoảng 17 ngày) và Para Games 11 (khoảng 11 ngày) từ tháng 10 đến tháng 12/2021. SEA Games 31 sẽ có khoảng 16.000 người tham dự, trong đó huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài khoảng 11.000 người và Para Games khoảng 4.000 người, trong đó huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài khoảng 2.100 người.
Tính đến năm 2019, SEA Games sẽ được tổ chức 30 lần, trong đó, Thái Lan và Malaysia mỗi nước đã tổ chức 6 lần; Singapore, Indonesia và Philippines mỗi nước đã tổ chức 4 lần; Myanmar đã tổ chức 3 lần; Brunei, Việt Nam và Lào mỗi nước đã tổ chức 1 lần.