Tiêu dùng trong tuần: Thịt lợn, trái cây tăng mạnh; trong khi tôm hùm và gia cầm rớt giá thê thảm

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cả thị trường trong tuần này: Thịt lợn, trái cây tăng mạnh; trong khi xăng dầu tôm hùm, gia cầm rớt giá thê thảm.

Giá xăng, dầu đồng loạt giảm

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế của các nước theo đó tác động đến nhu cầu sử dụng nhiên liệu, năng lượng.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, thịt heo, trái cây tăng mạnh; trong khi tôm hùm và gia cầm rớt giá thê thảm

Vì vậy trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước ngày 11/9, Liên Bộ Tài chính - Công Thương Trong quyết định trích lập Quỹ Bình ổn đối với xăng RON95 ở mức 100 đồng/lít, dầu diesel ở mức 400 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít. Trong khi đó, liên bộ đã quyết định không trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với xăng E5 RON92 và dầu mazút.

Chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON92 ở mức 1.100 đồng/lít; xăng RON95 ở mức 500 đồng/lít, dầu mazút ở mức 350 đồng/kg; dầu diesel và dầu hỏa không chi.

Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92: Không cao hơn 14.266 đồng/lít (giảm 143 đồng/lít so với giá hiện hành); xăng RON95-III: Không cao hơn 14.984 đồng/lít (giảm 130 đồng/lít); dầu diesel 0.05S: không cao hơn 11.518 đồng/lít (giảm 443 đồng/lít); dầu hỏa: Không cao hơn 9.593 đồng/lít (giảm 532 đồng/lít); dầu mazut 180CST 3.5S: Không cao hơn 10.943 đồng/kg (giảm 240 đồng/kg).

Dưa hấu tăng giá, nông dân phấn khởi

Ông Huỳnh Văn Quang (xã Phổ Phong, Quảng Ngãi) cho biết: “Thời điểm cách đây một tháng, giá dưa cao nhất cũng chỉ 4.000 đồng/kg, nhưng một tuần trở lại đây, thương lái thu mua với giá 12.000 đồng/kg, trái từ 1,5kg trở lên là đã được chọn mua. Tôi rất phấn khởi vì dưa vừa được giá, vừa đạt sản lượng. Vụ này gia đình tôi trồng 6 sào dưa hấu, sau khi trừ chi phí, lãi hơn 50 triệu đồng”.  

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, thịt heo, trái cây tăng mạnh; trong khi tôm hùm và gia cầm rớt giá thê thảm

Không chỉ ông Quang, mà nhiều hộ trồng dưa hấu trên địa bàn tỉnh có dưa thu hoạch thời điểm này đều vui mừng vì “trúng lộc”. Theo nhiều nông dân, thời tiết năm nay tương đối khắc nghiệt, khiến năng suất dưa hấu không đạt như mọi năm, nhưng bù lại giá cao, mang lại cho người trồng dưa nguồn thu khá lớn. 

Chị Lê Thị Thủy, thương lái thu mua dưa hấu cho hay: Dưa hấu đang được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước. Nguyên nhân là do sau khi thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, nhu cầu của thị trường dưa hấu khá cao, nhất là trong thời điểm nắng nóng như hiện nay. Trong khi đó, diện tích dưa hấu cuối vụ không nhiều, “cung ít hơn cầu”, nên giá dưa liên tục tăng cao.

Theo tính toán của người trồng dưa, nếu dưa bán với giá 4.000 đồng/kg, người nông dân đã có lãi. Tuy nhiên, những năm qua, dưa hấu là loại cây trồng mang tính rủi ro cao, bởi giá cả phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, nhiều hộ đã trồng theo kiểu cuốn chiếu, trồng nhiều trà, tránh thu hoạch cùng một lúc, nên cho thu nhập cao hơn.

Gia cầm rớt giá thê thảm

Những ngày gần đây, các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ ở Đồng Nai, cũng như nhiều địa phương trên cả nước tiếp tục như “ngồi trên đống lửa” khi giá gà công nghiệp, gà ta, vịt thịt…tiếp tục giảm sâu. Cụ thể:

Giá gà công nghiệp bán ra phổ biến ở mức17.000 - 18.000 đồng/kg, giảm thêm 10.000 đồng/kg so với tuần trước. 

Giá gà lông màu giảm xuống còn 21.000 - 22.000 đồng/kg.

Giá gà ta thả vườn dao động từ 38.000 - 42.000 đồng/kg, giảm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng mấy năm trở lại đây.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, thịt heo, trái cây tăng mạnh; trong khi tôm hùm và gia cầm rớt giá thê thảm

Giá vịt thịt đổ buôn số lượng lớn tại trang trại ở mức 40.000 - 41.000 đồng/kg, giảm thêm 2.000 đồng/kg so với tuần trước.

Với mức giá các loại gia cầm như trên, người chăn nuôi chịu lỗ từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Thậm chí, những người nuôi gà lông màu lỗ lên đến 10.000 đồng/kg, nhiều người không trụ nổi đã phải "treo chuồng".

Nguyên nhân do sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ chuyển đổi sang nuôi gà, vịt nên đàn gia cầm tăng đột biến. Ngoài nguồn cung tại thị trường nội địa tăng mạnh, lượng gà nhập khẩu giá rẻ về nhiều cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới giá gia cầm giảm mạnh. 

Một nguyên nhân nữa khiến giá gia cầm giảm mạnh là do tháng 7 âm lịch có nhiều người ăn chay nên thị trường tiêu thụ chậm hơn so với các tháng khác trong năm. Cùng với đó là ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, dịch vụ kinh doanh ăn uống ngừng hoạt động, bếp ăn tập thể phải đóng cửa, chợ bán thực phẩm cũng cung cấp cầm chừng nên việc tiêu thụ gia cầm vốn đã chật vật nay lại càng khó khăn hơn.

Tôm hùm giảm giá chưa từng có

Việc xuất khẩu tôm hùm gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 khiến giá loại hải sản cao cấp này đang chạm đáy. Cụ thể, ghi nhận tại chợ xóm Mới (TP Nha Trang, Khánh Hòa), giá tôm hùm xanh tươi sống loại 3 con/kg là 520.000 đồng; loại 4 - 5 con/kg 450.000 đồng; tôm hùm bông loại 2 con/1,5kg là 750.000 đồng, loại 1 con/kg giá 1,1 triệu đồng. Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, thịt heo, trái cây tăng mạnh; trong khi tôm hùm và gia cầm rớt giá thê thảm

Theo bà Bảy (người chuyên bán tôm hùm), trước đây tôm hùm tươi sống chỉ nhập cho các nhà hàng, khách sạn, ít khi bán ở chợ bởi giá cao từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/kg đối với tôm hùm xanh và 1,5 - 1,8 triệu đồng/kg đối với tôm hùm bông. Nhưng nay, sau 2 lần dịch Covid-19 bùng phát, lượng tôm xuất khẩu ngày càng giảm nên phải đẩy mạnh thị trường nội địa với giá vừa phải.

"Giá tôm hùm hiện nay phù hợp với thu nhập của nhiều người. Chỉ riêng tôm hùm bông, khách vẫn phải đặt trước tôi mới lấy về bán vì loại tôm này giá thành còn cao, khó bán"- bà Bảy cho hay.

Ông Lê Minh Hải, Trưởng phòng Kinh tế TP Cam Ranh - địa phương có sản lượng tôm hùm lớn nhất tỉnh Khánh Hòa, cho biết hiện nay giá tôm hùm tại địa phương đang giảm mạnh do xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch đang rất khó khăn.

Bên cạnh đó, lượng khách du lịch ở Khánh Hòa đặc biệt là khách Trung Quốc sụt giảm cũng khiến giá tôm xuống thấp. Đây vừa là thách thức và là cơ hội để thị trường nội địa phát triển. Hiện tôm hùm được các thương lái thu mua bán cho thị trường Nha Trang, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, thịt heo, trái cây tăng mạnh; trong khi tôm hùm và gia cầm rớt giá thê thảm

Giá lợn hơi tăng mạnh

Tuần qua, giá lợn hơi trên cả 3 miền tăng mạnh từ 1.000 - 6.000 đồng/kg so với chốt phiên cuối tuần trước.
Cụ thể, giá lợn hơi ngày 12/9 tại miền Bắc: Tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Lào Cai, Hà Nội, Hưng Yên giá lợn hơi được thu mua với mức cao từ 80.000 - 82.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thái Bình giá lợn hơi ở mức thấp hơn 78.000 - 79.000 đồng/kg.

Tại miền Trung - Tây Nguyên: Các địa phương như Quảng Nam, Bình Định, Lâm Đồng, Ninh Thuận giá lợn hơi ở mức 80.000 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, Nghệ An, Huế, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận giá lợn hơi được thu mua với mức 78.000 - 79.000 đồng/kg.

Tại miền Nam: Tỉnh Bình Phước, Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Vũng Tàu giá lợn hơi đang ở mức cao 80.000 - 81.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, An Giang, TP Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Sóc Trăng giá lợn hơi được thu mua với mức thấp hơn từ 78.000 - 79.000 đồng/kg.