Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiểu thương không dám trữ hàng tết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tháng này mọi năm, sức mua ở chợ đã tăng đáng kể, thường gấp đôi ngày thường....

Kinhtedothi - “Tháng này mọi năm, sức mua ở chợ đã tăng đáng kể, thường gấp đôi ngày thường. Thế nhưng giờ chỉ còn hơn hai tuần nữa là đến tết Tây, hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng chợ vẫn “im re”. Thậm chí, nhiều tiểu thương còn không mặn mà trữ hàng tết”, bà Lý Thị Xuân Thu – Ban quản lý chợ Hòa Hưng (Q.10) cho biết.

Ế ẩm chợ truyền thống

Chợ Hòa Hưng mùa mua sắm tết vẫn buồn hiu, khách đi chợ chủ yếu mua rau củ, cá thịt… cho bữa ăn thường ngày. Tiểu thương cũng không buồn trang trí sạp hàng, trưng hàng đầy ắp như trước. Thắc mắc vì sao hàng hóa chỉ toàn mẫu cũ, chị Hải (ngành hàng bánh kẹo) phân trần: “Tháng tết mà ế ẩm quá nên chúng tôi đâu dám lấy hàng mới. Mọi năm, từ tháng 11 là chúng tôi đã bung vốn trữ hàng với số lượng lớn. Thế mà năm nay nhìn quanh bạn hàng xếp hàng chờ khách mà nản. Cũng chẳng ai dám liều trữ nhiều hàng tết mùa này”.

Dạo qua các khu chợ nổi tiếng sầm uất ở TP Hồ Chí Minh như: Tân Định, Bến Thành, Nguyễn Tri Phương… hầu như cũng chung cảnh “chợ chiều” khi lượng khách đến xem, chụp hình nhiều hơn mua sắm. Bà Minh, chủ sạp hàng đồ khô thở dài: “Nghe dự báo kinh tế đã phục hồi, người dân chắc chắn sẽ mạnh tay mua sắm tết nên tôi đã bỏ ra gần 500 triệu đồng để chuẩn bị lượng hàng dồi dào gồm trái cây sấy khô, thực phẩm khô đủ loại. Vậy mà đến thời điểm này vẫn chưa có tín hiệu cho thấy sức mua sẽ tăng nên chắc sẽ diễn ra tình trạng ôm hàng tết”. 

 
Tiểu thương không dám trữ hàng tết
Tiểu thương không dám trữ hàng tết
Ông Trần Đình Trọng, chủ đại lý Hoàng Hùng chuyên phân phối hàng nông sản cho các chợ tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ, nếu như trước đây, khi kinh tế khó khăn, mọi người “thắt lưng buộc bụng” là đương nhiên. Nhưng năm nay kinh tế khởi sắc, vậy mà hàng hóa vẫn đìu hiu thì thật không hiểu nổi. Hiện nay, lượng hàng rau củ, trái cây tiểu thương đặt hàng trước giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tại nhiều chợ, tình hình hàng không “chạy” mùa cuối năm rải đều từ trái cây đến thời trang, đồ gia dụng. Với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả cũng chỉ dám lấy hàng cầm chừng. Ban quản lý các chợ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng mãi lực chợ như không nói thách, vui vẻ với khách hàng, niêm yết bảng giá, cam kết thực phẩm sạch… nhưng chẳng ăn thua. 

Kích cầu cũng đìu hiu

Trên thị trường điện máy, hiện các nhà bán lẻ đang tung đủ chiêu kích cầu sức mua với mong muốn bù đắp sự sụt giảm doanh số trước đó. Các hình thức khuyến mại trực tiếp, giảm giá thông qua phương thức thanh toán… được thực hiện đồng loạt để tạo ra mức giá thấp nhất đối với sản phẩm. Vậy mà, tình hình mua sắm tại các siêu thị điện máy cũng rất ế ẩm.

Nhiều buổi có mặt tại các siêu thị điện máy như: Chợ Lớn, Nguyễn Kim, Ideas, Thiên Hòa, Phong Vũ…, chúng tôi nhận thấy nơi đây đều có các chương trình khuyến mãi hấp dẫn như mua 1 tặng 1, cho vay không lãi suất, giảm giá đến 50%, hàng đồng giá 49.000đ… Dẫu vậy, chúng tôi nhận thấy đa số khách hàng chỉ chọn những sản phẩm gia dụng như nồi cơm điện, bàn ủi hoặc các sản phẩm thực sự thiết yếu, còn các loại điện thoại, máy tính, tivi, máy giặt, tủ lạnh có giá trị cao không gây được sự chú ý.

Theo ông Trần Văn Hùng, chủ cửa hàng điện máy Gia Huynh (Q.5), nhiều nhà bán lẻ dự báo vào mùa cuối năm thị trường điện máy sẽ khởi sắc vì Người tiêu dùng sẽ mạnh tay mua sắm. Song hiện nay, theo tình hình như vậy thì không thể lạc quan về điều này. 

“Theo dõi thị trường từ tháng 11 đến nay cho thấy sức tiêu thụ tăng rất ít, chủ yếu là nhờ vào các chương trình khuyến mại giảm giá sâu. Do vậy, dù kỳ vọng vào thị trường trước Tết Nguyên đán, nhưng với tình hình hiện nay chưa thể chắc chắn được điều gì. Hiện nay, các nhà sản xuất, nhà bán lẻ đều thận trọng trong kế hoạch sản xuất, phân phối do lượng hàng tồn vẫn còn nhiều”, ông Hùng nói.

Tình hình mua sắm tại các siêu thị lớn như Co.opmart, Big C, Maximark, Lotte… hiện cũng không có nhiều biến động. Khách chủ yếu tập trung vào những ngày cuối tuần, còn bình thường khá thưa thớt. Song, doanh số bán hàng chủ yếu mới tập trung vào các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, nước giải khát. Để kích cầu sức mua, các siêu thị đều áp dụng chương trình giảm giá từ 5 – 50% hàng ngàn mặt hàng, khuyến mại, tặng quà, lì xì năm mới... nhưng vẫn chưa có nhiều đột biến đáng kể.

Đối với các mặt hàng thời trang, thông thường thời điểm này người dân đã rộn rịp mua sắm để đi chơi tết, nhưng năm nay các cửa hàng thời trang dù treo băng rôn hạ giá đến 50% nhưng hầu như rất ít khách mua sắm. Nhiều nhân viên của các cửa hàng thời trang từ cao cấp đến bình dân nằm trên “phố mua sắm” Nguyễn Trãi (Q.5) cho biết, mỗi ngày chỉ bán được vài sản phẩm đã là nhiều, có khi cả ngày không có khách ghé xem hàng.

Theo TS Quách Phong – chuyên gia phân tích thị trường Công ty TNHH Thế Giới Mới, việc thị trường ế ẩm ngay tại thời điểm này là điều dễ hiểu, tuy kinh tế năm nay có khởi sắc, nhưng nhìn chung người dân chúng ta cũng vẫn chưa mạnh tay mua sắm bởi còn phải bù đắp những thiếu hụt thời gian qua. Hơn nữa, năm nay TP Hồ Chí Minh đã dành hơn 16 nghìn tỷ đồng trữ hàng nhằm bình ổn giá dịp tết nên người tiêu dùng cảm thấy an tâm, không sợ gần tết sẽ khan hiếm hàng hoặc tăng giá nên không cần phải mua hàng sớm. 

“Dự báo, sức mua sẽ tăng cao vào khoảng 2 tuần trước tết, nếu các chợ truyền thống không đổi mới trong cách phục vụ, chất lượng và giá cả hàng hóa thì e là sẽ khó kéo người tiêu dùng đến mua hàng”, TS Quách Phong.