Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm biện pháp giải quyết vấn đề Syria

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 26/3, Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arập (AL) lần thứ 24 đã khai mạc tại thủ đô Doha của Qatar với sự tham gia của 15 nhà lãnh đạo hàng đầu của thế giới Ả Rập nhằm tập trung bàn thảo phương thức giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Tổng thống Iraq Khudeir Musa Al Khuza đã kêu gọi AL cần thành lập một hội đồng an ninh nhằm giải quyết những vấn đề tại Syria. Trong khi đó, Tiểu vương Qatar Hamad bin Khalifa Al-Thani cũng hối thúc Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc phải nhanh chóng hành động nhằm ngăn chặn tình trạng đổ máu trong cuộc nội chiến kéo dài 2 năm qua tại Syria, đồng thời đưa những người chịu trách nhiệm ra trước tòa án quốc tế. Ngoài ra, ông còn đề xuất thiết lập ngay một quỹ trị giá 1 tỷ USD, trong đó Qatar sẽ góp 250 triệu USD, nhằm trợ giúp cho người dân Palestine ở Đông Jerusalem.
 
Tìm biện pháp giải quyết vấn đề Syria - Ảnh 1
Ngoại trưởng Lebanon Adnan Mansour ( phải) và Tổng Thư ký Liên đoàn Arập Nabil al - Arabi tại hội nghị

Trong lần đầu tiên tiếp quản chiếc ghế thành viên tại AL phe đối lập Syria, Trưởng đoàn đại biểu của Syria, ông Ahmed Moaz al-Khatib cho biết đã đề nghị Mỹ sử dụng tên lửa Patriot bảo vệ các khu vực miền Bắc hiện do phe đối lập kiểm soát, cho rằng Mỹ cần đóng vai trò lớn hơn trong việc giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài đã hai năm tại Syria. Trước đó, nhiều nhà quan sát đã nhấn mạnh, không ngạc nhiên khi ít ngày trước thời điểm khai mạc hội nghị thượng đỉnh AL, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chọn Israel, PalestineJordan làm đích đến. Ngoại trưởng John Kerry cũng bận bịu với chuyến công du không báo trước tới Jordan, Iraq, Afghanistan nhằm mục đích thống nhất quan điểm với các quốc gia đầy quyền lực trong thế giới Ả Rập về cách thức giải quyết tình hình tại Syria.

Sự ủng hộ của các thành viên AL lần này đối với phe đối lập Syria là một hệ quả tất yếu từ những mâu thuẫn gay gắt giữa Damascus với thế giới Ả Rập. Rạn nứt giữa Syria và 22 thành viên của liên minh này đã bắt đầu cách đây 5 năm khi hội nghị AL lần thứ 20 do Syria đăng cai chỉ thu hút sự tham dự của 11 nguyên thủ. Thậm chí, các quốc gia thân phương Tây là Ả Rập Saudi, Ai Cập, Jordan đã cử đại diện cấp thấp tới dự hội nghị, nhằm phản đối cái họ cho là “sự can thiệp, ngăn cản quá sâu của Syria vào cuộc bầu cử Tổng thống tại Lebanon”. Sau khi phong trào Mùa xuân Ả Rập càn quét qua Syria, làm bùng phát cuộc nội chiến tại đây, Qatar và Ả Rập Saudi đã từng bước thực hiện kế hoạch đình chỉ tư cách thành viên của chính quyền Tổng thống al-Assad vào tháng 11/2011 và để phe đối lập Syria tiếp quản chiếc ghế tại AL. Dù quyết định này đã vấp phải sự phản đối của Lebanon, Iraq và Algeria nhưng sự hiện diện của phe đối lập Syria tại hội nghị lần này cho thấy rõ quyết tâm của đa số quốc gia thuộc thế giới Ả Rập trong việc can dự và thay đổi chế độ tại Syria. Tuy nhiên, quyết tâm của AL thì đã có thừa nhưng liệu có lật được thế cờ giằng co ở quốc gia Trung Đông này hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.