Nguyên nhân của tình trạng này do ngân hàng sợ rủi ro, không đủ niềm tin trao vốn cho DN. Phía DN ngại tiếp cận vốn vì lãi suất (LS) cho vay vẫn cao, điều kiện để được vay vẫn hết sức ngặt nghèo. Hội nghị có sự tham dự của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo và Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội nghị.Ảnh: Đinh Trang
Dè dặt đi vay và cho vay
Tại buổi làm việc, đại diện nhiều DN thừa nhận, việc vay vốn của các DN lớn khá thuận lợi nhưng với các DN nhỏ và vừa vẫn hết sức khó khăn. Theo ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), năm 2012, đơn vị này được ngân hàng hỗ trợ 3.000 tỷ đồng với mức lãi suất (sau 6 lần điều chỉnh giảm) hiện đang ở mức 11 - 14%. Đây là mức lãi suất có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, mức lãi suất này không phải DN nào cũng được hưởng.
Thực tế, những DN nhỏ và vừa, vốn điều lệ thấp, việc tiếp cận vốn hiện gặp rất nhiều khó khăn. "Đã là DN nhỏ và vừa thì rất ít hoặc không có tài sản thế chấp. Quy mô DN cũng không đủ độ tin tưởng để ngân hàng cho vay. Điều này khiến những DN quy mô nhỏ và vừa (chiếm số lượng lớn) đã khó lại càng khó hơn" - ông Sơn nói.
Nhiều đại diện DN Hà Nội cũng thừa nhận điều này. Ông Đỗ Văn Minh, Tổng Giám đốc Công ty Dệt 19/5 cho rằng, có những DN nhỏ và vừa mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đang quyết tâm vượt qua. Song, nếu ngân hàng không xem xét nới điều kiện cho vay sẽ đẩy họ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. "Phân tích tình hình, chúng tôi dự báo, kinh tế đang sắp qua thời kỳ trì trệ, ngành dệt may đã nhìn thấy cơ hội khi kinh tế phục hồi. DN muốn phục hồi sản xuất nhưng tiền đâu để làm?" - ông Minh đặt câu hỏi.
Nguyên nhân dẫn đến mối quan hệ "cơm không lành, canh không ngọt" giữa ngân hàng và DN theo đại diện nhiều DN là do tâm lý dè dặt của cả hai bên. Ngân hàng sợ cho vay, sợ rủi ro, cán bộ tín dụng lo phải chịu trách nhiệm cá nhân. Còn DN thì sợ đi vay. Bởi vậy, cần có cơ chế tháo gỡ cho DN để họ có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn.
Một trong những rào cản được nhiều DN phản ánh là LS. Hiện, LS cho vay đã giảm nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, nếu tính toán giá trị thặng dư của DN sau khi thực hiện các nghĩa vụ ngân sách, các vấn đề thặng dư về tài chính… thì lợi nhuận của DN rất thấp, kéo theo đó ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Bởi vậy, các DN cho rằng, lãi suất cho vay cần tiếp tục giảm thêm nữa. "Nếu lãi suất cho vay giảm về quanh mức 10%/năm, chắc chắn DN sẽ tích cực vay" - ông Nguyễn Minh Quang, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) khẳng định.
Bảo lãnh tín dụng không được bao nhiêu
Thời gian tới, NHNN đặt mục tiêu đưa lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất về khoảng 9 - 11% (lãi suất vay cũ ở mức 13%). Việc đưa lãi suất về mức hiện nay theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình là một nỗ lực của ngành ngân hàng.
Về ý kiến tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa vay vốn, Thống đốc cho rằng, muốn cho vay tín chấp, DN phải có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Trong khi đó về bảo lãnh DN vay vốn, hiện Ngân hàng Phát triển đang làm chức năng này và Bộ Tài chính đã có những hướng dẫn nhưng việc bảo lãnh không được bao nhiêu. "Ngân hàng cũng rất muốn cho vay, vì huy động vào 7%, dù chỉ cho vay ra 7,5% còn hơn là để vốn nằm chết. Bởi thế, tôi nghĩ, các ngân hàng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Nhưng nới điều kiện cho vay, lúc mọi chuyện tốt thì không sao nhưng nếu diễn biến theo hướng xấu thì ngân hàng phải chịu nhiều bất ổn. Cán bộ tín dụng rơi vào vòng lao lý..." - ông Bình chia sẻ.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng kêu gọi các tổ chức tín dụng trên cơ sở nắm bắt, đánh giá tình hình cụ thể, nhu cầu của DN để có hướng hợp tác, tháo gỡ khó khăn cho DN.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, hệ thống ngân hàng cần tính toán tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp; tiếp tục hỗ trợ lãi suất cho DN và người dân vay. Cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DN cũng cần phải được thực hiện tích cực hơn nữa.
|