Chưa tới tay người tiêu dùng Chị Nguyễn Tuyết Nhung, chủ vườn lan Sóc Xinh (Hội Hoa lan Hà Nội) cho biết, sản phẩm lan trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với lan Trung Quốc, trong khi người tiêu dùng (NTD) chưa thể phân biệt được rõ nguồn gốc sản phẩm. Thêm vào đó, các hộ sản xuất lại gặp khó khăn về vốn, kỹ thuật chuyên sâu về trồng lan.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, diện tích trồng hoa, cây cảnh của toàn TP đạt trên 5.300ha; sản lượng hoa, cây cảnh hàng năm đạt trên 1 tỷ cành hoa, gần 2 triệu chậu hoa và hơn 1 triệu cây cảnh các loại. Hiện, 85% lượng hoa, cây cảnh của Hà Nội sản xuất ra được tiêu thụ trên địa bàn TP, 15% được tiêu thụ ở các địa phương khác và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, điều đáng nói là hình thức tiêu thụ chủ yếu vẫn qua các thương lái thu mua tại ruộng, sau đó bán tại các chợ bán buôn và cửa hàng hoa. Chính vì tiêu thụ hoa chủ yếu thông qua thương lái nên chưa tạo được liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và DN phân phối. Bên cạnh đó, trên địa bàn TP chưa hình thành chợ đầu mối hoa đúng nghĩa. Hiện, các chợ hoa Quảng Bá, Mê Linh… đều là những chợ bán buôn nhưng quy mô diện tích nhỏ, thiếu cơ sở hạ tầng như kho tàng, bến bãi để tập kết hoa. Trong khi đó, chợ hoa Tây Tựu được xây dựng nhưng thiếu bàn tay “điều tiết” của các nhà quản lý nên chuyển thành chợ phiên 5 ngày một buổi họp. Đặc biệt, số lượng DN tham gia vào mắt xích đầu ra trong chuỗi giá trị sản phẩm còn quá ít và yếu về năng lực, trình độ dẫn đến tình trạng hoa sản xuất nhiều nhưng không ít loại vẫn chưa tới tay NTD. Tăng cường liên kết Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, hiệu quả kinh tế từ sản xuất hoa, cây cảnh cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, doanh thu đạt từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm tùy loại hoa, cây cảnh và mức độ đầu tư. Chính vì vậy, trồng hoa, cây cảnh đang là hướng đi quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp Thủ đô nhằm nâng cao hiệu quả canh tác, thu nhập cho người nông dân và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ. Để tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm hoa, cây cảnh của Hà Nội, theo các chuyên gia, cần tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Chí – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng cho đầu ra của hoa, cây cảnh là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về kỹ năng liên kết nhóm sản xuất. Bên cạnh đó là tập huấn về kỹ thuật sản xuất hoa, cây cảnh, kỹ thuật tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm, chăm sóc khách hàng… Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm chuyên về hoa, cây cảnh để giới thiệu sản phẩm với NTD. Nhiều DN, hộ sản xuất cũng kiến nghị Nhà nước cần có chính sách đủ mạnh để thu hút các DN đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh, góp phần phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái bền vững. Cụ thể là có chính sách ưu đãi về đất đai và vốn vay cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng các điểm sản xuất hoa gắn với du lịch sinh thái.
Chị Nguyễn Tuyết Nhung giới thiệu về sản phẩm lan của gia đình. Ảnh: Quang Thiện |