Tìm đồng thuận vì lợi ích chung Dự án nhà máy xử lý rác thải tại Núi Thoong

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Trước nhu cầu xử lý rác thải của các khu vực phía Nam Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai (Công ty Xuân Mai) đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải giai đoạn I bằng phương pháp đốt triệt để công suất 24 tấn/ngày đêm, áp dụng công nghệ xử lý, chế biến thay thế cho công nghệ chôn lấp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, để triển khai dự án rất cần sự đồng thuận của người dân vì lợi ích chung của xã hội.

Áp dụng công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm

Theo Báo cáo số 425/BC-UBND của UBND huyện Chương Mỹ do Phó Chủ tịch Hoàng Minh Hiến ký ngày 6/8/2016 gửi TP, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Núi Thoong (xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ) được UBND tỉnh Hà Tây cũ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng trên diện tích 10,4ha, trong đó giai đoạn I có 2ha đã hoàn thành công tác GPMB, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích 8,4ha mở rộng giai đoạn II. Địa điểm xây dựng Nhà máy thuộc địa bàn xã Tân Tiến, phía Đông giáp dãy núi Thoong tiếp giáp với khu dân cư thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến; phía Nam giáp thôn Nam Sơn, xã Nam Phương Tiến; phía Bắc giáp thôn Xuân Sen, thôn Gò Cáo, xã Thủy Xuân Tiên trên diện tích 2ha. Khu vực Núi Thoong đáp ứng điều kiện vì cách xa cư dân 1,2km, đất chân đồi, núi đảm bảo xây dựng bãi chôn lấp rác hợp lý.

Khu vực Núi Thoong được quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác. Ảnh: Khắc Kiên

Năm 2006, UBND tỉnh Hà Tây cho phép Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai xây dựng “Dự án chôn lấp có kiểm soát giải quyết biện pháp tình thế”. Giai đoạn I đã thực hiện đào ô chôn lấp số 1 và tiếp nhận khoảng 30.000 tấn rác thì đóng bãi, đào ô chôn lấp số 2 hoàn thành và tiếp nhận khoảng 10.000 tấn rác thì xảy ra sự cố thủng đáy, nước mưa chảy vào hố, ngấm vào lòng đất, nước từ bãi rác thẩm thấu gây ô nhiễm môi trường cục bộ. Từ tháng 7/2008, một số người dân xã Tân Tiến đã phản ứng và ngăn không cho tiếp nhận rác vào khu xử lý. Để khắc phục sự cố, TP đã đầu tư trên 6 tỷ đồng lấp an toàn hố số 1 và xây dựng thêm hố số 3 đảm bảo đủ tiêu chuẩn tập kết rác, hỗ trợ địa phương. Bên cạnh đó, huyện Chương Mỹ đầu tư mới một trạm biến áp, đường bê tông, hệ thống cung cấp nước sạch với kinh phí khoảng 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày 22/6/2009, khi Công ty Xuân Mai cho xe chở rác đổ xuống hố thì có khoảng 30 người dân xóm Đồi Chè, xã Tân Tiến chặn không cho xe vào đổ rác. Và đỉnh điểm là tụ tập đông người kéo đến UBND xã Tân Tiến phản đối yêu cầu ngừng đổ rác. Sự việc kéo dài đến cuối năm 2009 khi Công ty Xuân Mai ngừng đổ rác thì tình hình mới tạm yên. UBND huyện đã báo cáo và được UBND TP chấp thuận cho dừng hoạt động, đồng thời giao cho Công ty Xuân Mai nghiên cứu lập dự án, áp dụng công nghệ xử lý, chế biến thay thế cho công nghệ chôn lấp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cũng theo báo cáo này, ngày 19/6/2014, UBND TP đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải giai đoạn I bằng phương pháp đốt triệt để công suất 24 tấn/ngày đêm cho Công ty Xuân Mai do Công ty TNHH Tràng An là DN tư vấn, cung cấp đồng bộ thiết bị dây chuyền. Sau đó, Công ty Xuân Mai đã báo cáo huyện xin chủ trương thi công, làm công tác GPMB và chuẩn bị, ngày 3/8/2016, Công ty Xuân Mai tiến hành dựng hàng rào thép gai theo mốc giới quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Núi Thoong. Tuy nhiên, khi đang thi công dựng 6 cột tại vị trí tiếp giáp với xã Nam Phương Tiến, bà Nguyễn Thị Hùng (xã Tân Tiến) phản đối và cho rằng, đơn vị thi công dựng cột không đúng mốc giới, lấn sang phần diện tích đất vỡ của gia đình. Sau kiểm tra, xác định lại mốc giới, đơn vị thi công đã nhổ các cọc dựng không đúng vị trí đưa vào đúng mốc giới. Tiếp đến, có khoảng 30 người dân xóm Đồi Chè phản đối vì cho rằng việc cắm cọc mất lối đi vào canh tác sản xuất tại đồng Đá Ngắt. Sau khi được chính quyền và lãnh đạo Công ty giải thích, việc thi công hàng rào đã cơ bản hoàn thành. “Yêu cầu Công ty Xuân Mai chỉ được thi công hàng rào bảo vệ xung quanh khu vực đã được giao mốc giới; Việc thi công xây dựng nhà máy chỉ được thực hiện khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định công nghệ và cho phép xây dựng…” – báo cáo chỉ rõ.

Vì lợi ích chung của xã hội

Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Công ty Xuân Mai Nguyễn Ngọc Oanh cho biết, trước nhu cầu xử lý rác thải của các khu vực phía Nam TP rất lớn, cùng với phương châm của ngành môi trường, việc chôn lấp rác đã lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nên Công ty đã nghiên cứu tìm tòi, lựa chọn công nghệ tiên tiến trong xử lý rác. Với việc Chính phủ khuyến khích sử dụng công nghệ trong nước, Công ty Xuân Mai quyết định lựa chọn đối tác Tràng An Xanh sử dụng phương pháp đốt rác triệt để, được các cấp thẩm định.
Chọn đối tác Tràng An Xanh ở giai đoạn I, ông Oanh cho rằng, công nghệ xử lý rác này đã được Bộ KH&CN cấp phép và được TP thẩm định. Đặc biệt, với công nghệ này, chi phí đầu tư thấp (bằng 40% công nghệ nhập ngoại), chi phí vận hành cũng thấp, lại phù hợp với Quyết định 322/QĐ - BXD của Bộ Xây dựng, tỷ lệ tái chôn lấp đạt 0%, không có nước rỉ rác (nước rích) thải ra môi trường, kiểm soát được mùi hôi, khí thải lò đốt đạt tiêu chuẩn Việt Nam… Quá trình ủ rác khoảng 7 ngày, nhưng khi cần thiết có thể đẩy lên 3 ngày với việc tăng nhiệt độ để tăng vi sinh trong quá trình xử lý… Ông Oanh cũng tiết lộ, dù mới đang lập dự án, chờ thẩm định, phê duyệt nhưng giai đoạn II (theo quy hoạch công suất lên tới 500 tấn/ngày) sẽ áp dụng công nghệ của Đức sử dụng khí để xử lý, gần như đưa vào lò phản ứng… Công nghệ mới này đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, mọi quy trình đều được niêm yết công khai.
Được biết, hiện, Công ty Xuân Mai đã ký với Vinaconex Xuân Mai xây dựng 72.000m2 nhà xưởng từ mái, khung, kèo… bằng bê tông dưỡng lực. Đây là nhà xưởng tiên phong trong nước vì nếu dùng vật liệu khác chỉ 3 năm là hỏng và sẽ ảnh hưởng hoạt động trong quá trình tiếp nhận xử lý rác. Bên cạnh đó, nền nhà đều có rãnh thu nước và có trạm bơm tạo độ ẩm nhanh phân hủy, không để thoát ra ngoài khu vực xử lý, đồng thời có lắp hệ thống thông gió, hút mùi, hút khói trong quá xử lý, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường… Hiện, máy móc, dây chuyền, lò đốt đã sẵn sàng, chỉ đợi để khởi công, nếu thuận lợi lắp ráp chỉ khoảng 8 – 10 tháng là xong và có thể đi vào vận hành, giải quyết vấn đề xử lý rác thải cho TP. “Nếu xây dựng được nhà máy xử lý rác tại Núi Thoong và Đồng Ké, kinh phí đầu tư cho vận chuyển rác sẽ giảm, tiết kiệm ngân sách, đồng thời giảm đến mức thấp nhất các xe rác lưu thông trên đường, đảm bảo mỹ quan và VSMT tại nội đô…Vì thế, rất mong nhận được sự đồng tình của người dân, vì lợi ích chung của xã hội” – ông Oanh bày tỏ.
Để triển khai dự án, công tác tuyên truyền và giới thiệu về công nghệ xử lý rác được Công ty rất chú trọng. Thậm chí, Công ty tổ chức đưa một số người dân địa phương đi tham quan các nhà máy xử lý rác áp dụng công nghệ của Việt Nam tại Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Hầu hết người dân đều cảm nhận công nghệ mới không gây ô nhiễm môi trường và tán đồng. Tuy nhiên, không hiểu sao dù mới dựng hàng rào thép theo mốc giới bàn giao, một số người dân lại phản đối việc Công ty triển khai dự án. Chính vì thế, hiện, UBND huyện Chương Mỹ đang tiếp tục chỉ đạo Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy của huyện, Đảng ủy, UBND xã Tân Tiến tổ chức tuyên truyền, giải thích, vận động người dân địa phương nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ việc triển khai dự án.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần