Cùng với lúa, trong thời gian qua, huyện Thanh Trì còn tập trung phát triển sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP ở hai xã Duyên Hà và Yên Mỹ. Đồng thời, xây dựng mô hình trồng nấm tại 20 hộ dân, quy mô từ 200 - 3.000m2. Trong lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, huyện đã triển khai mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học tại xã Tả Thanh Oai với gần 4.000 con; nuôi ốc nhồi thương phẩm tại các xã Đại Áng, Đông Mỹ, Thanh Liệt...
Bà Đặng Thị Hiền, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết, từ đầu năm đến nay, huyện đã hỗ trợ 5 tỷ đồng cho các địa phương xây dựng phương án chống hạn, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học cho các hộ dân. Đặc biệt, tích cực chỉ đạo DĐĐT, xây dựng các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Đến nay, toàn bộ các xã trong kế hoạch DĐĐT của huyện đã thống kê xong diện tích giao theo Nghị định 64/CP.
Tính đến hết quý III/2012, huyện Thanh Trì có 5 xã đạt từ 14 - 16 tiêu chí, 8 xã đạt từ 10 - 13 tiêu chí, số xã đạt dưới 10 tiêu chí còn 2 xã (Duyên Hà và Hữu Hòa). Theo đánh giá của UBND huyện, quá trình triển khai xây dựng NTM trên địa bàn còn rất nhiều khó khăn, nhất là công tác vận động DĐĐT, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp do tâm lý người dân muốn giữ đất chờ dự án. Bởi vậy, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm, lao động nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao. Trong khi đó, việc huy động nguồn đóng góp trong nhân dân còn rất hạn chế, nguồn lực từ đấu giá quyền sử dụng đất và đất xen kẹt phục vụ xây dựng NTM rất khó thực hiện.