KTĐT - Với Hà Nội, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho các doanh nghiệp công nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) là yếu tố rất quan trọng góp phần đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư công nghiệp FDI cho Thủ đô. Tuy nhiên, khi bước vào hội nhập, CNHT Hà Nội vẫn còn ở trình độ thấp… Đây là nhận định chung được đưa ra tại hội thảo "Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các DN công nghiệp FDI tại Hà Nội" do Sở Công thương và Trường ĐH Ngoại thương phối hợp tổ chức sáng 15/7.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên WTO, cùng với tự do hóa thương mại thì liên doanh liên kết, phân công và hợp tác quốc tế là xu thế tất yếu, thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Phát triển CNHT cho các DN FDI tại Hà Nội còn có vai trò định hướng cho các DN CNHT trong nước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao trình độ quản lý, năng suất và chất lượng sản phẩm.
Đến thời điểm này, CNHT Hà Nội đã thu hút gần 1.000 DN tham gia vào 20 ngành hàng sản phẩm CNHT khác nhau, tạo doanh thu 60 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho 122 nghìn lao động, đóng góp cho ngân sách trên 3 nghìn tỷ đồng. Cung cấp các vật tư, nguyên liệu, linh kiện phụ tùng cho ngành công nghiệp, CNHT Hà Nội đã chứng tỏ vị thế độc lập khi tạo ra hiệu quả kinh tế, đời sống thu nhập, mức nộp ngân sách, đổi mới công nghệ… cao hơn mặt bằng chung của ngành công nghiệp. Các nhóm ngành và sản phẩm CNHT thế mạnh của Thủ đô như linh kiện ô tô, xe máy, vật liệu điện, bao bì, phụ tùng cơ khí xi măng, cơ khí mỏ, nhiệt điện, thủy điện… đã nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, thay thế hàng nhập khẩu, tạo sức cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp cả nước. Đặc biệt, Hà Nội gần đây đã xuất hiện nhiều DN được xem như điểm sáng của CNHT cả nước khi vươn lên, tham gia vào hệ thống vệ tinh cung cấp cho công nghiệp FDI, đặc biệt cho các DN Nhật Bản, điển hình là Công ty Kim khí Thăng Long, Nhựa Hà Nội, Xích líp Đông Anh, Dụng cụ cơ khí xuất khẩu…
Mặc dù vậy, ông Phạm Đức Tiến, Phó giám đốc Sở Công thương cho rằng: Khi bước vào hội nhập, CNHT Hà Nội còn đang có một khoảng cách lớn về trình độ khi so sánh với khu vực. Cụ thể, CNHT nội địa Hà nội chủ yếu mới phục vụ phát triển công nghiệp nội địa là chính. Khi so sánh với Nhật Bản là nước có trình độ công nghiệp hàng đầu thế giới, rõ ràng CNHT nội địa của Hà Nội đang ở trình độ sơ khai. Bởi vậy, các DN này chưa thể tham gia nhiều, và nếu có cũng mới làm được các linh phụ kiện đơn giản nhất cho DN lắp ráp FDI Nhật Bản. Đơn cử, Canon là DN lắp ráp máy in đạt kim ngạch xuất khẩu tới 1 tỷ USD cho biết, họ chủ yếu mới đặt DN hỗ trợ nội địa làm công việc… in ấn các tài liệu hướng dẫn sử dụng máy. Tương tự với Toyota, đó chỉ là các bộ đồ dụng cụ sửa chữa xe. "Dù rất muốn, nhưng trở thành nhà cung cấp cho các DN FDI Nhật Bản vẫn là sân chơi khó khăn cho các DN CNHT trong nước. DN CNHT nội địa đang đứng trước nguy cơ phải nhường sân chơi này cho các DN CNHT đến từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc…" - ông Tiến nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, đẩy mạnh quan hệ hợp tác liên kết giữa các DN CNHT nội địa và các DN công nghiệp lắp ráp FDI Nhật Bản là một việc làm cấp bách bởi nó phù hợp với quy luật chung của hội nhập, mang lại lợi ích bền vững cho đất nước. Hà Nội được nhiều DN Nhật Bản lựa chọn do có vị thế thuận lợi về địa lý, hạ tầng và nguồn nhân lực. Mới hoạt động mạnh 5 năm gần đây, các DN Canon, Yamaha… đã tạo ra giá trị sản xuất dẫn đầu ngành công nghiệp Thủ đô, chiếm tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch hàng công nghiệp xuất khẩu và giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Tuy nhiên, giữa hai khối DN CNHT nội địa và DN FDI Nhật Bản vẫn còn khoảng cách lớn về trình độ quản lý và trình độ công nghệ.
Vấn đề đặt ra lúc này, theo ông Junichi Mori, chuyên gia nghiên cứu Tổ chức phát triển Liên hợp quốc là DN sản xuất linh kiện Việt Nam phải nhận thức được rằng, an toàn về chất lượng và môi trường, loại bỏ tối đa các chi phí không hợp lý và giao hàng đúng hạn là yêu cầu bắt buộc nếu muốn hợp tác với DN Nhật Bản. Còn ông Lưu Minh Đức, Phó phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) cho rằng, bên cạnh nỗ lực đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, các DN CNHT Hà Nội muốn vào được hệ thống sản xuất có quy mô toàn cầu thì phải tuân thủ các luật chơi do phía DN Nhật Bản (bên nắm quyền chi phối) đưa ra. "Luật chơi" đó có 3 điểm chính: DN Nhật Bản thường muốn hợp tác với các DN có ý thức quyết tâm cao, nghiêm túc, chịu khó trong công việc; DN Nhật Bản tìm hiểu rất kỹ về đối tác trước khi hợp tác; và DN Nhật thích hợp tác với những DN hỗ trợ nội địa đã thực hiện quản lý sản xuất theo hệ thống tiêu chuẩn và quan điểm kinh doanh Nhật Bản.