Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/7, trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác năm 2014, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Thực trạng, định hướng và giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.”

Ông Trương Thanh Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương nhấn mạnh cần phải xác định rõ ràng rằng công nghiệp hỗ trợ không phải ngành công nghiệp mang tính chất “phụ trợ” mà đây là ngành đóng vai trò xương sống trong nền công nghiệp.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đây là ngành đóng vai trò then chốt trong khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, có tính chất quyết định đối với sự phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nếu không có công nghiệp hỗ trợ sẽ không thể có ngành công nghiệp chế tạo.

Về giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, theo giáo sư, tiến sỹ Võ Thanh Thu, Trường Đại học Kinh tế
TP.HCM, phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam phải hướng tới các ngành công nghiệp chủ lực của đất nước và các ngành thu hút mạnh nguồn vốn FDI. Cụ thể đó là các ngành dệt may, cơ khí-điện tử, lắp ráp máy…

Các ngành này có nhu cầu lớn về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Giải pháp cần thiết nhất hiện nay đó là nhanh chóng hiện đại hóa công nghệ, đào tạo lao động chất lượng cao để sớm có thể sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Tiến sỹ Võ Thanh Thu nhấn mạnh đầu tư công nghệ cần nguồn vốn lớn. Vì vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sớm xây dựng cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vồn vay dài hạn với lãi suất ưu đãi.

Là địa phương đang tập trung nguồn lực phát triển công nghiệp hỗ trợ, từ thực tiễn triển khai, đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam đang chủ yếu là phục vụ cho công nghệ chế biến xuất khẩu, các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu phần lớn phụ thuộc nguyên vật liệu, linh kiện nhập khẩu.

Đồng thời, trên cả nước đến nay chưa hình thành khu-cụm công nghiệp chuyên ngành, do đó hình thức cụm liên kết ngành chưa phát triển, chưa tạo động lực phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Từ thực tế đó, Sở Công Thương
TP.HCM đã đề xuất hàng loạt giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ như có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam bởi chính sách doanh nghiệp FDI là động lực quan trọng để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, bao gồm cả chính sách về thuế, cơ sở hạ tầng.

Sở Công Thương
TP.HCM cũng đề xuất Chính phủ xem xét quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ cho cả nước; có chính sách bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp hỗ trợ; phát triển nguồn nhân lực công nghiệp hỗ trợ...

Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ, dự kiến Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ được trình Chính phủ và ban hành vào quý 4 năm 2014.

Ông Trương Thanh Hoài cho biết nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ chủ yếu tập trung vào các biện pháp nhằm hỗ trợ về công nghệ, quản trị sản xuất, tiếp cận khách hàng… nhằm khắc phục các điểm yếu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung một số ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và các quy định về đầu tư xây dựng cụm công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút các tập đoàn đa quốc gia cung cấp linh kiện và vật liệu toàn cầu đầu tư vào Việt Nam.