Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm giải pháp phục hồi kinh tế, ứng phó thách thức toàn cầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; các...

Kinhtedothi - Diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; các điểm nóng khu vực trở nên căng thẳng, nổi bật là tình hình Ukraine, Iraq, Syria, Trung Đông, Biển Đông, Hoa Đông; các vấn đề toàn cầu như dịch bệnh, khủng bố ngày càng trở nên phức tạp, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu lần thứ 10 (ASEM 10) tổ chức từ 16 - 17/10 tại Milan, Italia được coi là cơ hội vàng để lãnh đạo các quốc gia Á - Âu tìm được giải pháp phục hồi kinh tế, ứng phó với các thách thức toàn cầu. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Hội nghị và có những phát biểu quan trọng.

Với chủ đề "Đối tác trách nhiệm vì tăng trưởng và an ninh bền vững", các đại biểu tham gia ASEM 10 sẽ bàn thảo về 4 nội dung chính gồm: Các vấn đề kinh tế - tài chính và kết nối Á - Âu; Các vấn đề toàn cầu; Các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; Định hướng tương lai ASEM.

Đảm bảo an ninh bền vững

Nổi bật trong chương trình nghị sự của ASEM 10 là vấn đề về nguy cơ của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), an ninh tại Afghanistan, cuộc khủng hoảng tại Ukraine, tình hình Ấn Độ Dương, biến đổi khí hậu, dịch bệnh Ebola…

Tại sự kiện này, vấn đề Ukraine được coi là nội dung quan trọng nhất trong các cuộc gặp của lãnh đạo châu Âu với mục tiêu thu hẹp khác biệt trong quan điểm và tìm kiếm một giải pháp khả thi nhất để thiết lập ổn định, hòa bình cho quốc gia Đông Âu này. Đặc biệt, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự ASEM được coi là cơ hội đầu tiên để chủ nhân Điện Kremli thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ukraine với giới chức phương Tây kể từ sau chuyến công du Pháp hồi tháng 6 vừa qua. Trước thềm cuộc gặp với Tổng thống Nga hôm 16/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ hy vọng về một cuộc trao đổi cởi mở về vấn đề khí đốt và đạt được tiến bộ trong việc thực thi Thỏa thuận Minsk. Các cuộc gặp bàn về tình hình Ukraine được chính giới toàn cầu quan tâm là cuộc gặp giữa Tổng thống Nga với các nhà lãnh đạo đến từ Pháp, Italia, Anh, Ukraine và EU trong ngày 17/10.
Tìm giải pháp phục hồi kinh tế, ứng phó thách thức toàn cầu - Ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu lần thứ 14.
 
Việt Nam nắm bắt cơ hội hợp tác
Tại Diễn đàn lần này, việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là một trong ba lãnh đạo đầu tiên phát biểu dẫn đề tại Phiên toàn thể về các vấn đề toàn cầu và là một trong ba Lãnh đạo cấp cao châu Á được mời gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp Á - Âu trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu lần thứ 14 cho thấy rõ vai trò và vị thế của Việt Nam trong ASEM. Đặc biệt, nhằm chủ động nắm bắt cơ hội tăng cường hợp tác với các quốc gia thành viên ASEM, bên lề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi song phương với nguyên thủ, lãnh đạo các đối tác quan trọng của Việt Nam.
Trong hai năm đảm nhận trọng trách điều phối viên trong ASEAN, Việt Nam luôn muốn lồng ghép lợi ích của ASEAN vào trong diễn đàn của ASEM. Vai trò đóng góp tích cực của Việt Nam giữa ASEAN và EU cho thấy chúng tôi đang có đối tác tốt ở trong khu vực.
Ông Franz Jessen Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam
Qua 18 năm tham gia ASEM, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm, phát huy được vai trò và vị thế tại Diễn đàn, nổi bật nhất là việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 5; tổ chức 5 Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ - thông tin, ngoại giao, giáo dục, lao động. Việt Nam là một trong những nước đi đầu khởi xướng và duy trì cơ chế hợp tác về ứng phó thiên tai và "Đối thoại ASEM về phát triển bền vững" về quản lý nguồn nước, trong đó tập trung hợp tác tiểu vùng các nước ven sông Mekong - Danube. Đáng chú ý, các sáng kiến do Thủ tướng Việt Nam đề xuất tại Hội nghị Cấp cao ASEM 9 tại Lào năm 2012 về "Hội thảo ASEM về quản lý nước và lưu vực sông - Cách tiếp cận tăng trưởng xanh" trong khuôn khổ "Đối thoại ASEM về phát triển bền vững" và "Hội nghị cao cấp ASEM về phòng chống và cứu trợ thiên tai ứng phó biến đổi khí hậu" được các thành viên ASEM tham gia đồng sáng kiến nhiều nhất, triển khai tích cực và nhất trí thúc đẩy trở thành các hoạt động định kỳ trong ASEM.
Để tiếp tục nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam - EU và với các đối tác quan trọng khác trong ASEM cũng như đóng góp cho quan tâm chung, trong năm 2014, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp những đề xuất, sáng kiến tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (xóa nghèo), đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực, quản lý nguồn nước, ứng phó thiên tai... Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo ASEM không chính thức về Nhân quyền lần thứ 14 với chủ đề "Doanh nghiệp và quyền con người" tại Hà Nội vào tháng 11 tới - hoạt động lớn nhất mà Việt Nam đăng cai năm nay, trên tư cách thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc, góp phần tăng cường đối thoại và hiểu biết giữa hai châu lục.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Giữa lúc suy thoái kinh tế đang trở thành nguy cơ hiện hữu tại châu Âu, các quốc gia đang phát triển tại châu Á cũng phải đương đầu với những thách thức mới từ suy giảm nhu cầu trong và ngoài nước, việc tìm kiếm cách thức để tăng hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai lục địa Á - Âu cũng được coi là nhiệm vụ trọng tâm của ASEM 10. Vì thế, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu (AEBF) lần thứ 14 với chủ đề “Tăng cường quan hệ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế Á - Âu”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao những đề xuất thiết thực của các doanh nghiệp (DN). Thủ tướng đề nghị các DN tiếp tục cùng triển khai mạnh mẽ các chương trình hành động của ASEM nhằm thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, hỗ trợ các thành viên đang phát triển trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, thông qua các chương trình đối tác công - tư để góp phần đổi mới và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ xanh, sạch, xây dựng thói quen tiêu dùng, phương thức sản xuất thân thiện với môi trường.

Thủ tướng đề nghị các DN Á – Âu cần nắm bắt các thời cơ mới để cùng triển khai các dự án kết nối ở châu Á, đặc biệt là Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN, các dự án kết nối của ASEAN lục địa và tiểu vùng Mê Công. Đồng thời khẳng định Việt Nam đang tiếp tục đổi mới sâu sắc, triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Với triển vọng triển khai và hoàn tất 14 hiệp định thương mại tự do trong giai đoạn đến năm 2020, trong đó có Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - EU đang trong giai đoạn hoàn tất, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 56 đối tác, trong đó có 47 nước thành viên ASEM. Đây là những nền tảng căn bản để Việt Nam nâng tầm đóng góp vào liên kết Á - Âu và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra những cơ hội mới, to lớn cho các doanh nghiệp hai châu lục đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam.
Bên lề Hội nghị cấp cao ASEM 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm trao đổi ý kiến về phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản. Tại cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên kiểm soát tốt tình hình trên biển, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy các cơ chế đàm phán tiến triển, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; tôn trọng Luật pháp quốc tế, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.