Làm thế nào để ngành chè phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống người trồng chè là vấn đề được đưa ra tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trà Thái Nguyên” tổ chức ngày 27/11, trong khuôn khổ Festival Trà Thái Nguyên lần thứ III năm 2015.
Bài toán chất lượng
Thái Nguyên là địa phương dẫn đầu về sản lượng chè của cả nước. Những năm gần đây, cây chè đã giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống và đóng góp lớn cho sự phát triển của tỉnh. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu chè của Thái Nguyên đạt khoảng 13 triệu USD. Tuy nhiên, tỷ lệ chè xuất khẩu mới đạt khoảng 20% tổng sản lượng chè toàn tỉnh.
Trên bình diện cả nước, kim ngạch xuất khẩu chè 9 tháng đầu năm 2015 cũng chỉ đạt 153 triệu USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2014. Một trong những nguyên nhân sụt giảm được chỉ ra là do chất lượng sản phẩm chưa cao. Đơn cử như tại Thái Nguyên, theo ông Lê Huy Nhỡn – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, tổng diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP mới chỉ khoảng 600ha (trên tổng diện tích 17.600ha). Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, thu hút đầu tư của tỉnh còn nhiều hạn chế. Việc quản lý nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên” còn lỏng lẻo, thiếu đồng bộ.
TS Nguyễn Hữu Tài – Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam cho rằng, việc đầu tư phát triển cây chè hiện vẫn theo mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là khâu chế biến. Người sản xuất chè chưa thực sự quan tâm đến nâng cao chất lượng sản phẩm. Do đó, giá chè nguyên liệu xuất khẩu hiện chỉ đạt 2,2 – 3,2 USD/kg, có nơi chỉ đạt 1,9 USD/kg. Con số này chỉ bằng 70% mức giá bình quân của thế giới.
Tăng cường chuỗi liên kết
Những năm qua, Việt Nam luôn là một trong 5 quốc gia đứng đầu thế giới về sản lượng chè xuất khẩu. Dù vậy, để chè thực sự trở thành cây mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế, sẽ còn nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết trong thời gian tới. Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hiện, dự án “Nâng cao chất lượng và an toàn nông sản, phát triển khí sinh học QSEAP, giai đoạn 2009 – 2015” có vay vốn Ngân hàng phát triển châu Á đang giúp các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Sơn La, Yên Bái, Lâm Đồng quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất chè an toàn SAZ. Theo đó, để có được sản phẩm chè có chất lượng, các địa phương cần chú trọng an toàn thực phẩm, chủ động quy hoạch hợp lý vùng sản xuất để nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè búp tươi. Bởi, chỉ khi có vùng sản xuất ổn định, Việt Nam mới có được nguyên liệu đảm bảo cho ra những sản phẩm chè có chất lượng tốt.
Ở một khía cạnh liên quan, bà Anje Regitz – Giám đốc dự án hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Cộng hòa liên bang Đức tại Đông Nam Á cho rằng, muốn cải thiện thu nhập người nông dân, điều cần làm là phải kết nối họ vào chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm. Người nông dân cần được hỗ trợ, cũng như chủ động tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm chè. Chú trọng chế biến thành phẩm chất lượng cao, thay vì chỉ bán sản phẩm thô, sản phẩm qua sơ chế như hiện nay…
Bên cạnh đó, đại diện nhiều cơ sở sản xuất chè thuộc tỉnh Thái Nguyên và khu vực lân cận cũng kiến nghị, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm để kích cầu thị trường tiêu dùng, sử dụng các sản phẩm chè.
Người dân chế biến chè ở làng nghề chè Hòa Khê, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Ảnh: Trọng Tùng
|
Một trong những điều cần làm hiện nay là phải tổ chức lại việc quản lý, sản xuất thông qua nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, DN chè. Đây là điều kiện tiên quyết để xây dựng thương hiệu cho cây chè, đồng thời, phát triển ngành chè theo hướng hàng hóa. TS Nguyễn Hữu Tài – Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam |