Những con số... biết "khóc"
Cục trưởng cục Xuất bản, In và Phát hành Chu Văn Hòa cho rằng: "Đây được coi là "Hội nghị Diên Hồng" tìm kế tấn công vào sự lãng quên văn hóa đọc". Bởi lẽ, những số liệu thống kê thực trạng đọc sách của người Việt dường như... biết "khóc". Theo UNESCO, hàng năm có khoảng 2,5 tỷ cuốn sách được ra đời. Nhật Bản là nước có số lượng sách in cao nhất, khoảng 180 triệu bản với 540 tỷ trang in một năm, tính theo đầu người là 20 bản/người/năm. Tại Malaysia, cách đây 10 năm, mỗi người dân đọc trung bình 2 cuốn sách/năm, năm 2012, con số này đã tăng lên từ 10 đến 20 đầu sách/năm. Ở một số nước châu Âu, tỷ lệ này còn lớn hơn rất nhiều. Thế nhưng, theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành tính đến năm 2013, mức hưởng thụ bình quân của người dân nước ta mới chỉ đạt 3,2 bản sách/người (bao gồm cả sách giáo khoa). Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL, mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm tại thư viện. Số sách phân bổ tại các thư viện bình quân là 0,35 bản sách/người. Theo khảo sát của Thư viện Quốc gia Việt Nam, bạn đọc của thư viện này chỉ chiếm khoảng 8 - 10% dân số.
Ngày sách Việt Nam được tổ chức nhằm cứu văn hóa đọc.
|
Mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Chu Văn Hòa cho rằng, đó là vì công tác tuyên truyền, quảng bá sách đến người dân chưa được quan tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục. Sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc xây dựng chiến lược quốc gia về văn hóa đọc chưa có sự thống nhất. Công tác lý luận, phê bình hướng độc giả đến những mảng sách tốt, sách hay còn chưa được quan tâm. Mặt khác, lực lượng sáng tác cũng chưa được đầu tư đúng mức. Chất lượng sách xuất bản chưa được đầu tư đúng mức và không đáp ứng được nhu cầu đọc. Giá sách còn cao so với thu nhập người dân. Cùng với đó, mạng lưới thư viện, tủ sách công cộng đã phát triển nhưng chất lượng tổ chức và hoạt động chưa đáp ứng được nhu cầu đọc của người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn. Sự cạnh tranh gay gắt của các phương tiện truyền thông và các phương tiện giải trí khác lấn át vị trí của sách...
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Nhằm cứu văn hóa đọc, ngày 21/4 hàng năm, Bộ TT&TT sẽ chủ trì tổ chức "Ngày sách Việt Nam" ở T.Ư và các địa phương trên phạm vi cả nước với nhiều hoạt động thiết thực như: Triển lãm, giao lưu tác giả - tác phẩm, hội chợ sách, giới thiệu những ấn phẩm hay được xuất bản trong năm, tổ chức trao giải thưởng sách hàng năm, trình diễn thơ, văn xuôi, chương trình giao lưu, tọa đàm, kể chuyện theo sách, quyên góp sách tặng trẻ em nghèo, hỗ trợ các thư viện vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khó khăn... Phát động nhân rộng mô hình: Tủ sách gia đình, Tủ sách dòng họ, tủ sách trường học, Tủ sách hậu phương quê hương chiến sĩ. Đặc biệt là tổ chức Phố sách, Tuần lễ sách tại các địa phương trên địa bàn cả nước.
Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cho rằng, tổ chức "Ngày sách Việt Nam" là cách để cứu văn hóa đọc, hay nói đúng hơn là cứu văn minh đọc và nghĩ của dân tộc ta. Chính vì thế, ngay lần đầu tiên này, cần phải tạo ra được "Quả đấm thép" có sức mạnh đủ để làm chấn động, rung chuyển sự lãng quên văn hóa đọc tồn tại bấy lâu nay. Đơn cử như Hội trợ sách TP Hồ Chí Minh, khi các nhà xuất bản tung ra một cách ồ ạt hàng triệu bản sách đã gây chú ý cho độc giả. Vậy nên, "cú đánh" đầu tiên này, phải đủ nặng mới có giá trị tạo ra truyền thống về mặt cách làm cho những năm tiếp theo, vì đây là công việc hàng năm, trường kỳ không thể "đánh trống bỏ dùi".
Còn nhà báo Phan Khoa bày tỏ: "Ngày sách Việt Nam là dịp để tôn vinh đội ngũ những người làm sách, nhưng phải là những người làm sách có trách nhiệm. Có như vậy mới hạn chế được những ấn phẩm làm "vẩn đục" thị trường sách".
Trong khi đó, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo T.Ư) Võ Tử Thành nêu quan điểm: Ngày sách cần thực hiện ngoài giờ hành chính để đông đảo bạn đọc có thể tham dự được. Cách trưng bày sách cũng phải làm sao cho hấp dẫn. Dù tổ chức ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay Thư viện Quốc gia thì vòng trong nên trưng bày sách theo những chủ đề chính của năm như: 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... còn vòng ngoài là sách của các nhà xuất bản với các hoạt động như bán giảm giá, giao lưu tác giả - tác phẩm...
Bên cạnh đó, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, để Ngày sách thực sự có chiều sâu, hiệu quả thì cần phải phân biệt các đối tượng của ngày hội, cần đặc biệt chú ý đến học sinh, sinh viên, đồng thời giúp họ có phương pháp đọc sách sao cho hợp lý. Và cũng như tất cả các hoạt động khác, muốn tổ chức Ngày sách thành công thì cần phải có tiền.
Giám đốc Công ty sách Thái Hà Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Ngay từ bây giờ, Ban tổ chức cần có Đề án cụ thể để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kinh phí. Theo kinh nghiệm của ông khi tham gia tổ chức Hội chợ sách ở TP Hồ Chí Minh thì "Ngày sách Việt Nam" muốn thành công cần phải có hàng chục tỷ đồng...
Tất cả các đại biểu đều cho rằng, cần phải có sự chung tay của toàn xã hội thì "Ngày sách Việt Nam" mới tổ chức thành công. Và dẫu có nhiều "kế" hay đến bao nhiêu, thì trách nhiệm, ý thức của từng cá nhân người Việt trong việc đọc sách và ham muốn tìm hiểu tri thức vẫn là yếu tố quyết định để "cứu" văn hóa đọc.