Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều trên khi chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 24-CT/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 1237/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo (Đề án 1237), vào ngày 20/12.
Phó Thủ tướng nói: “Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, bằng sự cố gắng của tất cả các cấp chính quyền, nhân dân và đặc biệt là cán bộ, chiến sỹ chúng ta đã làm được một khối lượng công việc khổng lồ. Tuy nhiên do điều kiện ác liệt của chiến tranh, thời gian, công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, dù toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã rất cố gắng nhưng còn nhiều liệt sĩ chưa được quy tập”.
Theo Thiếu tướng Trần Văn Minh, Cục trưởng Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng), thời gian qua, chúng ta tìm kiếm, quy tập được 939.462 hài cốt liệt sĩ, an táng tại 3.077 nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước. Hiện còn khoảng 200.000 liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập, trong đó, có hàng nghìn liệt sĩ đang còn nằm lại tại Lào, Campuchia. Ông cho biết vấn đề khó nhất hiện nay là thiếu thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ.
Tại hội nghị, đại diện UBND, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh (Tây Ninh,Gia Lai, Thừa Thiên Huế, Lạng Sơn) đã chia sẻ những kinh nghiệm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, thu thập xử lý thông tin về liệt sỹ.
Theo lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, nhờ tăng cường công tác tuyên tuyền, nên tỉnh đã thu thập được khoảng 6.000 thông tin về mộ chí liệt sĩ. Sau khi tiến hành xác minh, tỉnh đã quy tập được 2.688 hài cốt liệt sĩ trong 25 đợt tìm kiếm.
Lãnh đạo Quân khu 5, Quân khu 9 nêu kinh nghiệm cần phải tổ chức tốt công tác tuyên truyền, kết hợp phát tờ rơi, vận động quần chúng để thu thập thông tin về mộ liệt sĩ. Đồng thời phối hợp với ngành LĐTBXH, chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ khi có thông tin gặp hài cốt có khả năng là liệt sỹ trên địa bàn cần nhanh chóng thông báo, khoanh vùng, xác minh thẩm tra; phối hợp chặt chẽ với Hội Cựu chiến binh, tìm kiếm thu thập thông tin từ các cựu chiến binh đã từng chiến đấu tại những chiến trường cụ thể, dành thời gian để đi cùng các đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ…
Song vấn đề khó khăn của hầu hết các đội quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là nhiều khu vực mai táng liệt sĩ, các dấu tích không còn, rất khó khăn trong tìm kiếm, quy tập. Nhiều thông tin thiếu chính xác, khó khăn trong di chuyển, vận chuyển phương tiện phục vụ việc tìm kiếm, chế độ chính sách cho các đội tìm kiếm quy tập…
Để hỗ trợ hiệu quả hơn nữa cho công tác xác định danh tính, đơn vị của các liệt sĩ, Trung tướng Phan Văn Giang, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, công tác giải mã ký hiệu, phiên hiệu của các đơn vị trong chiến tranh đang được đẩy nhanh tiến độ.
“Đến nay, cơ bản các đơn vị đầu mối của Bộ Quốc phòng đã có báo cáo về giải mã ký, phiên hiệu, trong đó có 10 đơn vị hoàn thành báo cáo lần cuối. Bộ Tổng Tham mưu đã lắp đặt, xây dựng trang web “Tìm về đơn vị”, xây dựng phần mềm đăng ký, quản lý ký, phiên hiệu, lưu trữ và bổ sung trong quá trình giải mã. Ký kết chương trình giải mã ký, phiên hiệu với Hội Cựu chiến binh Việt Nam… Tại các đầu mối, các đơn vị đều có tăng cường các sỹ quan chuyên trách để thực hiện công việc này”, Trung tướng Phan Văn Giang nói.
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Song Phi đề nghị thống nhất các chương trình tìm kiếm, xác minh thông tin liệt sĩ về đầu mối Bộ Quốc phòng; cho phép các cựu chiến binh vào tham gia các Ban Chỉ đạo cơ sở để có sự thống nhất, thành chủ trương chung, không để tìm kiếm nhỏ lẻ…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu UBND, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, các quân đoàn, quân khu… tổ chức quán triệt, thống nhất nhận thức và hành động để thực hiện cho tốt các văn bản chỉ đạo về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Trong đó có việc kiện toàn, thành lập các Ban Chỉ đạo ở địa phương, lập lực lượng chuyên trách.
Về công tác thu thập, xử lý thông tin, Phó Thủ tướng lưu ý việc thu thập thông tin phải chặt chẽ, có căn cứ, cơ sở khoa học rõ ràng, huy động sự tham gia của các nhà khoa học trong công tác giám định, xác minh hài cốt liệt sĩ… Đồng thời, công tác quy tập phải được tiến hành bài bản và giao cho lực lượng quân đội, không để tự phát.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, để khắc phục những hạn chế trước đây, Ban Chỉ đạo quốc gia Đề án 1237 và Ban Chỉ đạo các cấp phải bám sát, lắng nghe ý kiến cơ sở và đặc biệt lưu ý phòng tránh tất cả các sự cố đã có, đồng thời phát hiện ngăn ngừa tất cả các hành vi lợi dụng việc tìm kiếm mộ liệt sĩ.
Các địa phương, quân khu, quân đoàn… cần đúc kết, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và phổ biến, thực hiện nghiêm các quy định trong công tác này. Đồng thời, thường xuyên rà soát chính sách, sửa đổi những bất hợp lý từ chế độ chính sách hỗ trợ cho người cung cấp thông tin, các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, trang bị phương tiện… tạo điều kiện tốt nhất cho triển khai, thực hiện công tác này ở cả trong và ngoài nước.
Trung tướng Đào Duy Minh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho biết kế hoạch hành động của Ban Chỉ đạo Đề án 1237 tập trung vào các 8 lĩnh vực chính: Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; thành lập, kiện toàn tổ chức, lực lượng làm nhiệm vụ chỉ đạo và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; thu thập, kết nối, xử lý thông tin phục vụ tìm kiếm, quy tập; tập trung hoàn thành giải mã ký hiện, phiên hiệu quân đội trong chiến tranh, rà soát,kiện toàn hồ sơ liệt sĩ hiện đang quản lý, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào, Campuchia; nghiên cứu kinh nghiệm một số nước giải quyết vấn đề mất tin, mất tích trong chiến tranh, các thiết chế tri ân liệt sĩ…
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh VGP/Minh Khôi
|