Bên cạnh đó, việc tổ chức chiếu sáng tốt sẽ góp phần tạo dựng và nhấn mạnh bản sắc văn hóa đô thị. Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch chiếu sáng (QHCS) tại Hà Nội nói riêng và các đô thị Việt Nam nói chung hiện vẫn còn không ít bất cập.
Còn nhiều bất cập
Nghị định 79/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2009, đã đề cập chi tiết tới vấn đề quản lý chiếu sáng tại các đô thị. Tuy nhiên đến nay, việc thực hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét. Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang gặp khó trong việc xác định hình thái QHCS phù hợp. Trên thực tế, việc QHCS đô thị ở Việt Nam không phải là QHCS tổng thể, bởi vì nó đòi hỏi các tính toán, dự toán tổng mức đầu tư và dự báo vốn thực hiện; cũng không phải là QHCS chi tiết bởi nó bao trùm tổ chức chiếu sáng của toàn TP.
Thực tế, QHCS chi tiết được xem là lựa chọn phù hợp đối với các đô thị Việt Nam hiện nay, bởi việc lập QHCS tổng thể sẽ rất khó, nhất là trong bối cảnh thiếu các chuyên gia trong nước để thực hiện. Nhưng, nếu giao hoàn toàn cho các chuyên gia nước ngoài thực hiện thì lại gặp khó vì sự khác biệt về văn hóa. Một khó khăn nữa, đó là đội ngũ kỹ thuật viên ánh sáng của Việt Nam còn yếu, do nghề chiếu sáng vẫn còn khá mới ở nước ta. Đào tạo về chiếu sáng đã được thực hiện tại một số trường đại học, nhưng giới hạn trong lĩnh vực kỹ thuật cho các kỹ sư điện, trong khi ngày nay chiếu sáng là lĩnh vực hội tụ cả 2 yếu tố mỹ thuật và kỹ thuật.
Đèn trang trí trên phố Điện Biên Phủ. Ảnh: Đức Giang
Nhiều chuyên gia cho rằng, sự chậm trễ trong việc lập QHCS đô thị sẽ dẫn tới gia tăng sự khó kiểm soát chiếu sáng tư nhân trong không gian đô thị, đặc biệt trong chiếu sáng thương mại và quảng cáo. Ô nhiễm chiếu sáng và sự lãng phí năng lượng, vì thế sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Giải pháp nào?
Trên thực tế, một TP được tổ chức chiếu sáng tốt sẽ góp phần thỏa mãn thị hiếu của người dân, tạo dựng và quảng bá hình ảnh, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của đô thị. Chính vì vậy, công tác QHCS nên được xem xét là một hợp phần quan trọng trong quy hoạch phát triển chung của mỗi đô thị.
Ông Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định, việc QHCS là câu chuyện của tầm nhìn chính sách. Hiện nay, việc quản lý chiếu sáng tại Hà Nội nói riêng và các đô thị tại Việt Nam nói chung chưa đồng bộ; phân cấp quản lý còn nhỏ lẻ. Ông Thông nhấn mạnh thêm, việc tổ chức chiếu sáng phải lưu ý tới những nét đặc điểm riêng biệt của từng đô thị, làm nổi bật được "tinh thần nơi chốn", giúp người dân nhìn nhận thấy không chỉ vẻ đẹp của đô thị ánh sáng, mà còn bao hàm cả những giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa của các công trình, di tích,…
Ở một khía cạnh khác, PGS.TS Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị cho rằng, tiết kiệm năng lượng là một vấn đề có tác động rất lớn đối với việc QHCS, các nhà quản lý cần nghiên cứu kỹ để hạn chế tình trạng chiếu sáng dàn trải, gây lãng phí năng lượng.
Thực tế tại Việt Nam, nhiều dự án chiếu sáng lớn đã bước đầu chú trọng đầu tư vào công cụ năng lượng tái tạo nhằm tiết kiệm năng lượng, điển hình là pin điện. Tuy nhiên, thiết bị này có giá thành rất cao mà Việt Nam chưa sản xuất được. Chính vì vậy, bên cạnh việc đánh giá, lập QHCS đô thị làm cơ sở cho phát triển hệ thống chiếu sáng, cần có cơ chế khuyến khích sự tham gia của các nhà khoa học, nhà đầu tư và người dân trong việc nghiên cứu công nghệ chiếu sáng tiết kiệm năng lượng.
Quyết định 1874/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11/10/2010 nêu rõ: Mục tiêu cụ thể đến năm 2015, 100% các công trình giao thông, không gian công cộng xây dựng mới sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện. Đến năm 2025, tỷ lệ chiếu sáng đường làng, ngõ, xóm đạt từ 75% - 100% chiều dài đường. Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành việc hạ ngầm toàn bộ đường dây cấp điện chiếu sáng tại các đô thị. |