Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm lời giải cho vấn nạn bạo lực trẻ em

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong lúc tình trạng bạo lực với trẻ em ngày càng gia tăng, sáng 10/12, Hội Bảo vệ...

Kinhtedothi - Trong lúc tình trạng bạo lực với trẻ em ngày càng gia tăng, sáng 10/12, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Bộ LĐTB&XH và Mạng Bảo vệ quyền trẻ em (CRnet) đã mở Hội nghị bàn tròn "Cùng chung tay xây dựng một môi trường không bạo lực, không xâm hại trẻ em" nhằm tìm lời giải cho vấn đề này.

Gia tăng số vụ vi phạm

Số liệu của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho thấy, mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Trong đó, số trẻ bị hiếp dâm chiếm tới 65%, trẻ bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm hơn 28%. Có tới 73,9% trẻ em từ 2 - 14 tuổi bị cha mẹ, người chăm sóc hoặc người thân trừng phạt bằng bạo lực.
Một em bé phải đi bán hàng rong đêm trên khu phố cổ Hà Nội.             Ảnh: Chiến Công
Một em bé phải đi bán hàng rong đêm trên khu phố cổ Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Trong khi đó, công tác phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em hiện có quá nhiều mâu thuẫn. Như chia sẻ của ông Trần Ngọc Thạch - đại diện CRnet phía Bắc: "Mặc dù Chính phủ đã triển khai các chương trình, dự án bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng, nhưng trẻ em vẫn không được bảo vệ một cách triệt để. Các tổ chức xã hội có khả năng, nghiệp vụ công tác xã hội, có chức năng giám sát nhưng không thực hiện được vai trò của mình vì thiếu sự tôn trọng, chia sẻ…". Một số bất cập khác được TS Trần Thị Thanh Thanh - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chỉ ra: "Nhận thức của cha mẹ, cộng đồng về luật pháp, chính sách về trách nhiệm và kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ còn hạn chế. Các hành vi gây tổn thương cho trẻ trong gia đình, nhà trường, cộng đồng bị bỏ qua vì được coi là chuyện bình thường. Cùng với đó, tình trạng chậm phát hiện, không kịp thời trong can thiệp, giải quyết vụ việc khá phổ biến. Công tác giám sát, bảo vệ trẻ em hoạt động chưa hiệu quả do thiếu nhân lực, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với nhau và với các tổ chức xã hội…". Luật sư Trần Thị Bích Hòa - Hội Luật gia Việt Nam còn cho rằng, những thiếu hụt trong quy định pháp luật, chính sách về phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Cần có tòa án về trẻ em

Nhằm góp phần phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, Luật sư Trần Thị Bích Hòa đề nghị: "Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đang được Bộ LĐTB&XH chủ trì sửa đổi cần tăng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 tuổi; quy định cụ thể hơn trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội liên quan đến trẻ em; quy định chi tiết quyền tham gia của trẻ em, như: Được tham khảo ý kiến, được tham gia vào các chính sách liên quan đến trẻ em; quy định chế tài về tước quyền nuôi con đối với những cha mẹ ngược đãi, bạo lực, xâm hại con mình...". Đồng tình với giải pháp này, bà Trần Thị Thu Hà - Ủy viên CRnet phía Nam cho rằng: "Cần đơn giản hóa các thủ tục tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi, hướng dẫn cho người dân để việc nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi thuận lợi hơn. Cần có tòa án về trẻ em, đội ngũ cán bộ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của trẻ. Các vụ án liên quan đến trẻ em dù nặng hay nhẹ cũng cần có luật sư trợ giúp".

Bên cạnh đó, các gia đình và nhà trường cần giáo dục kiến thức về giới tính, hướng dẫn trẻ lối sống lành mạnh, đồng thời, hướng dẫn trẻ các kỹ năng, ý thức tự bảo vệ mình trước hành vi bạo lực và xâm hại tình dục. Mặt khác, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác quản lý đối với các loại hình dịch vụ văn hóa, kịp thời ngăn chặn các phim ảnh có nội dung bạo lực, đồi trụy, các trò chơi trực tuyến có nội dung xấu.