Vì vậy, việc xây dựng nguồn cung cấp thực phẩm sạch, đảm bảo truy xuất nguồn gốc trở thành mối quan tâm lớn của ngành chăn nuôi Hà Nội.
Rõ nguồn gốc, chất lượng
Một trong những địa chỉ cung cấp nguồn thực phẩm sạch có uy tín nhiều năm nay trên địa bàn Hà Nội được ngành nông nghiệp TP đồng hành hỗ trợ là mô hình chăn nuôi lợn sinh học của Công ty CP Trang trại Bảo Châu, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn. Với mong muốn đem lại nguồn thực phẩm sạch cho người dân, trang trại Bảo Châu đã tìm tòi nghiên cứu công thức lên men thức ăn hữu cơ tự nhiên, không có chất cấm và kháng sinh. Ông Nguyễn Đại Thắng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, để thực hiện tiêu chí từ trang trại đến bàn ăn, công ty đã đầu tư dây chuyền giết mổ treo với quy mô 20 con/ngày. Lợn được mổ treo, vệ sinh sạch sẽ, đưa vào nhà mát từ 0 – 5oC trong vòng 6 – 12 giờ để giảm độ PH từ 7,5 xuống 5,5 trước khi sơ chế nhằm đảm bảo chất lượng ngon nhất và dễ hấp thu nhất.
Sản phẩm thịt lợn sau đó được đưa vào đóng gói, hút chân không và cấp đông sâu trước khi đưa ra tiêu thụ. Do có sự khác biệt rõ rệt về chất lượng, thịt lợn hữu cơ, trứng gà hữu cơ của trang trại Bảo Châu đã từng bước in dấu ấn trong lòng người tiêu dùng. Đến nay, Công ty CP Trang trại Bảo Châu đã ký hợp đồng phân phối và chuyển hàng tới hơn 30 cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh và một loạt các cửa hàng, siêu thị tại Hà Nội như Lotte mart, Vinmart, Aeon, chuỗi cửa hàng Bác Tôm, Green Life… với sản lượng 54 tấn thịt lợn, 9 tấn thịt gà và 770.000 quả trứng mỗi năm.
Ngoài thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, thời gian qua, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cũng tích cực giúp đỡ các địa phương, nhất là các vùng chăn nuôi chuyên canh tập trung xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Trong đó tiêu biểu như sản phẩm gà Mía Sơn Tây với sản lượng cung ứng ra thị trường khoảng 430 tấn/năm, thịt vịt an toàn sinh học Vân Đình (Ứng Hòa) sản lượng 540 tấn/năm, trứng sạch Tiên Viên (Chương Mỹ) được xử lý bằng tia cực tím với sản lượng 35.000 quả/ngày…
Thắt chặt liên kết
Cho đến nay, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã tư vấn, xây dựng được 19 chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm. Trong đó bao gồm 6 chuỗi liên kết về lợn thịt, 8 chuỗi liên kết về gia cầm, 4 chuỗi liên kết bao gồm cả lợn và gia cầm và chuỗi liên kết về bò sữa với tổng số hơn 3.400 thành viên tham gia. Các chuỗi này có tổng cộng 30 điểm giao dịch, 1.313 đại lý, điểm tiêu thụ sản phẩm. Trung bình mỗi ngày, các chuỗi liên kết tham gia tiêu thụ gần 400.000 quả trứng, hơn 22 tấn thịt lợn, hơn 10 tấn gia cầm, cung cấp thực phẩm cho nhiều siêu thị như Big C, Metro, Vinmart, Fivimart và gần 100 cửa hàng của các chuỗi, cùng các trường học, bệnh viện, bếp ăn tập thể trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước.
Tuy nhiên, sự gắn kết giữa các chuỗi liên kết hiện nay vẫn còn hạn chế, chưa phát huy được hết tiềm lực hiện có, mà mới chỉ dừng lại hợp tác ở giai đoạn tiêu thụ sản phẩm. Do đó, người chăn nuôi vẫn chưa chủ động trong khâu sản xuất, còn DN bị động trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, nhiều sản phẩm chăn nuôi an toàn nhưng chưa xây dựng được nhãn hiệu cho sản phẩm nên vẫn phải cạnh tranh thiếu lành mạnh với các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Theo ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội, thời gian tới cần tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị, chuỗi ngành hàng. Trong đó, hình thức liên kết bắt đầu từ sản xuất con giống với hộ chăn nuôi thương phẩm, đảm bảo vật nuôi tránh bị trùng huyết, có ưu thế lai lớn nhanh và giúp hạ giá thành sản phẩm. Cùng với đó, còn có sự tham gia của các tác nhân như nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, cơ sở giết mổ, chế biến, nhà bán lẻ. Việc phát triển chăn nuôi theo hướng này không chỉ tạo được sản phẩm có giá rẻ nhất đến tay người tiêu dùng mà còn giúp truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo ATTP.
Tham quan mô hình chăn nuôi lợn sinh học tại trang trại Bảo Châu, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Quang Thiện
|