Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm “nhạc trưởng” cho xúc tiến du lịch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chuyên môn cho rằng, muốn nâng cao hiệu quả khi tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, Việt Nam cần có một “nhạc trưởng” hợp sức tất cả các bên liên quan, từ cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội đến DN du lịch.

Dàn trải và lãng phí

Sau nhiều lần tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, những người làm du lịch Việt khẳng định, việc làm này không chỉ góp phần thu hút khách nước ngoài mà còn quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè năm châu. Những hội chợ du lịch quốc tế tiêu biểu chúng ta đã tham gia phải kể đến: ITB (Đức), MITT (Nga), JATA (Nhật Bản)… Đơn cử, hội chợ ITB tại Đức diễn ra tháng 3 vừa qua đã có 30 DN lữ hành Việt Nam tham dự. 
Người dân tham khảo các tour du lịch tại Hội chợ du lịch Quốc tế 2016. 	 Ảnh:  Công Hùng
Người dân tham khảo các tour du lịch tại Hội chợ du lịch Quốc tế 2016. Ảnh: Công Hùng
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế thời gian qua còn dàn trải, lãng phí, nên hiệu quả chưa tương xứng. Theo phân tích của Giám đốc Lữ hành Pioneer Asia Holidays Lê Anh Tuấn, công tác tổ chức tiền hội chợ của ngành du lịch còn nhiều hạn chế. Cụ thể, các cuộc họp DN trước hội chợ thường tổ chức muộn, và tại cuộc họp không có hình ảnh cụ thể về thiết kế gian hàng của DN. “Gần đây nhất, trong cuộc họp trước hội chợ ITB - Berlin vừa rồi, chỉ có mặt bằng sơ đồ sơ sài chứ không có thiết kế 3D về hình ảnh hội chợ. Thế nên, khi đến thực tế tại hội chợ, trong gần 30 DN tham gia, chỉ có 10 đơn vị được ra mặt tiền, còn lại là ở bên trong nên không nhận được sự quan tâm của các đối tác cũng như khách hàng. Một số DN đã rất bức xúc và họ cho rằng không có sự minh bạch trong việc bốc thăm gian hàng” - ông Tuấn dẫn chứng.

Nguyên nhân được giới chuyên môn chỉ ra là do Việt Nam không có “nhạc trưởng” điều hành công tác này nên vẫn mạnh ai nấy làm. Hiện có rất nhiều cơ quan có quyền chủ trì tổ chức tham gia hội chợ quốc tế, gồm: Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch, Sở du lịch (hoặc Sở VHTT&DL), các hiệp hội. Trong khi đó, chủ đề các hội chợ thường na ná nhau, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, một số đại sứ quán của Việt Nam tại nước ngoài không hợp tác với các DN du lịch. Chẳng những thế, theo Phó Tổng Giám đốc Công ty HanoiRedtours Nguyễn Công Hoan, chỉ có một số DN lữ hành thường xuyên tham gia các hội chợ để quảng bá, xúc tiến nên họ chưa đầu tư mạnh tay cho công tác này. Bởi các đơn vị đi quảng bá, xúc tiến nhưng các hãng lữ hành khác và hệ thống khách sạn mới là những đơn vị được hưởng lợi nhiều nhất, vì họ có thể chào bán tour, sản phẩm với giá thành thấp hơn so với những DN phải bỏ tiền tham gia các hội chợ du lịch quốc tế… 

Để tìm lời giải cho những bất cập trên, tại Hội chợ Du lịch Việt Nam mới đây (từ 14 - 17/4), Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã mở cuộc tọa đàm “Nâng cao hiệu quả tham gia các hội chợ du lịch quốc tế”.

Cần có “nhạc trưởng”

Tổng Giám đốc Công ty APT Travel Nguyễn Hồng Đài chia sẻ: “Theo kinh nghiệm nhiều năm APT Travel tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, có 2 khâu quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của việc tham gia các hội chợ. Đó là chuẩn bị sớm các sản phẩm và liên lạc trước với “buyer” (người mua). Và cần tham gia hội chợ từ 3 - 4 năm liền mới đạt hiệu quả”. Một số DN khác cho rằng, khi tham gia hội chợ, vị trí và thiết kế gian hàng rất quan trọng, vì đây là yếu tố “cần” để đối tác và khách đến với gian hàng. Tuy vậy, để có được yếu tố “cần” ấy đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn. Nhưng kinh phí của Tổng cục Du lịch tương đối hạn hẹp, kinh phí của hầu hết các DN cũng ở tình trạng tương tự bởi 80% DN du lịch Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Chính vì vậy, nhiều người đề xuất ngành du lịch nên có cơ chế cho sử dụng lãi suất ngân hàng từ phần ký quỹ của DN để hỗ trợ việc tham gia các hội chợ quốc tế. Bên cạnh đó, đa số ý kiến cho rằng, ngay sau khi hội chợ kết thúc, cần tổ chức các đoàn famtrip, presstrip của đối tác sang Việt Nam khảo sát để các bên xây dựng tour, tuyến. Bởi đây mới là hoạt động mang tính quyết định xem việc xúc tiến tại hội chợ có thành công hay không.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn: “Chúng ta cũng cần tăng cường vai trò và trách nhiệm của các hãng hàng không, vì họ cũng được hưởng lợi từ hoạt động quảng bá, xúc tiến tại các hội chợ du lịch quốc tế. Mặt khác, ngành du lịch cần có chính sách cho các hãng hàng không tư nhân tham gia nhiều hơn để nâng cao năng lực vận chuyển, tạo điều kiện cho các hãng lữ hành tham gia hội chợ”. Ở góc độ khác, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lưu Đức Kế nhận định, thực tế, việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế những năm qua còn manh mún, dàn trải và ít hiệu quả. Do vậy, cần phải có “nhạc trưởng” cho công tác tham gia hội chợ quốc tế và có sự phân vai cụ thể của các cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi đang có quá nhiều đầu mối khiến DN lúng túng không biết chọn đơn vị đầu tàu nào khi “đem chuông đi đấm xứ người”. Mặt khác, hiện có tới mấy chục hội chợ du lịch, muốn hiệu quả, cần nghiên cứu xem sự kiện nào phù hợp với Việt Nam. “Theo tôi, khi họp đoàn, chúng ta phải thông báo kịch bản, các chương trình sẽ triển khai về giới thiệu sản phẩm, họp báo... Công tác tổ chức đoàn cũng nên có quy chuẩn từ giấy mời, visa, ăn ở, đi lại… để minh bạch, chu đáo, tiết kiệm. Kết thúc hội chợ cũng phải họp đoàn để tổng kết những việc đã làm được và chưa làm được, từ đó rút kinh nghiệm cho những lần tham gia sau” - ông Kế nêu ý kiến.

Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch Đinh Ngọc Đức cho rằng, kinh nghiệm của hội chợ ITB (Đức) mới đây cho thấy ví dụ điển hình về bài học thành công khi có sự quy tụ nguồn lực xúc tiến giữa ngân sách và huy động từ DN và các bên liên quan. “Tại hội chợ ITB vừa qua, Tổng cục Du lịch đứng ra chủ trì gian hàng và chi tiền thuê mặt bằng, Hiệp hội Du lịch Việt Nam huy động DN. Nhờ vậy, gian hàng Việt Nam tại ITB được xây dựng quy mô lớn nhất từ trước đến nay, quy tụ 30 DN. Chúng tôi thấy phản hồi của DN và các đối tác rất tốt, hình ảnh du lịch Việt Nam được phản ánh rõ nét, các hoạt động bên lề của đoàn Việt Nam cũng phong phú hơn, có điểm nhấn hơn” - ông Đức cho biết.

Trước mắt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, cần tiến tới hình thành các nhóm DN theo các định hướng thị trường rõ ràng để tổ chức những tọa đàm riêng về xây dựng sản phẩm, xúc tiến quảng bá và liên hệ đối tác một cách cụ thể nhằm chuẩn bị tốt nguồn lực khi tham gia các hội chợ. Ngoài ra, phải có chế tài để các trung tâm văn hóa Việt Nam và đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài có vai trò, trách nhiệm tham gia các hội chợ du lịch quốc tế. Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang quản lý các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch và được Nhà nước cấp kinh phí. Tuy vậy, về lâu dài, ông Bình cho rằng, Tổng cục Du lịch làm công việc này không phù hợp, bởi cơ quan này chỉ là đơn vị quản lý hành chính. Vì thế, “Chính phủ nên tái thành lập Cục Xúc tiến du lịch là đơn vị sự nghiệp để việc tham gia các hội chợ quốc tế được chuyên nghiệp hóa”- ông Bình đề xuất.
Đến hội chợ du lịch quốc tế phải xác định mang sản phẩm gì đi bán. Chúng ta không nên mang tờ rơi quá nhiều bởi du khách cầm rồi lại vứt đi. Chúng ta cần chuẩn bị nhiều đĩa CD, quà lưu niệm của Việt Nam để họ hiểu văn hóa làng nghề của Việt Nam. Khách hàng tại hội chợ sẽ kháo nhau rằng đến gian hàng này đi, sẽ có quà tặng. Video là người thật, cảnh thật, mang lại cái nhìn chân thực cho du khách. 
Phó Tổng Giám đốc Hanoi RedTours Đặng Bích Thọ

Để nâng cao hiệu quả khi tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, khâu chuẩn bị, nhất là phần thiết kế gian hàng rất quan trọng. Chúng ta cần đầu tư thời gian và kinh phí cho phần việc này. Ngoài ra, việc họp đoàn trước khi tham gia hội chợ cần phải được tiến hành sớm và phần thiết kế gian hàng cần có ngay khi họp đoàn để DN biết gian hàng như thế nào và hình ảnh Việt Nam được giới thiệu tới bạn bè quốc tế ra sao. 
Giám đốc Pioneer Asia Holidays Lê Anh Tuấn

Ngoài những hội chợ quốc tế lớn như ITB - Berlin, JATA (Nhật Bản)..., du lịch Việt Nam cần tìm thêm một số hội chợ nhỏ để thu hút khách châu Âu. Bên cạnh đó, cũng nên mở rộng thêm diện tham gia cho các DN và tham gia thường niên. Bởi với thị trường nhỏ, cần tham gia ít nhất 3 năm liên tục thì hiệu quả mới thấy rõ, nếu tham gia rải rác thì sẽ chẳng khác nào “đá ném ao bèo”. Ngoài ra, sau hội chợ cần tổ chức các đoàn famtrip, bởi đây mới là yếu tố quyết định sự thành bại của mỗi kỳ hội chợ. Nếu ngân sách tổ chức famtrip của Tổng cục Du lịch, Sở du lịch hay các hiệp hội hạn chế thì có thể kêu gọi xã hội hóa. 
Phó Tổng Giám đốc Vietnam Tourism Hanoi Lê Nguyễn Mai Hoa