Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm quỹ đất xây trường học: Không nên cứng nhắc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hà Nội có 12 phường đang thiếu trường tiểu học, 28 phường chưa có trường THCS. Để xóa tình trạng "trắng trường" mầm non, tiểu học ở nội thành trong năm học 2012 - 2013, thành phố đã đưa ra giải pháp thu hồi những khu đất hoang, sử dụng sai mục đích, không hiệu quả… Tuy nhiên, tìm được đất xây trường không dễ.

Học “ké”
 

Mục tiêu đặt ra là vậy, nhưng thực tế, trong 6 phường thiếu trường mầm non, tiểu học ở 2 quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, mới có 3 trường được xây dựng là Láng Thượng (Đống Đa), Lê Đại Hành và Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng). Một số phường thiếu trường tiểu học, THCS không có tín hiệu khả quan nào về quỹ đất  hoặc có đất nhưng phải chờ giải tỏa, thu hồi… rất rõ.

Đơn cử, phường Khâm Thiên và Quốc Tử Giám tìm mỏi mắt cũng không ra quỹ đất. Ông Nguyễn Quý Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường Khâm Thiên cho biết: "Trung bình mỗi năm phường có khoảng 140 - 160 học sinh phải đi học nhờ ở trường Tiểu học Trung Phụng và Văn Chương. Đã vậy, để xây trường tiểu học phải theo quy chuẩn về diện tích, môi trường sư phạm, nên việc tìm đất xây trường của phường gần như bế tắc" - ông Tùng chia sẻ.

Tìm quỹ đất xây trường học: Không nên cứng nhắc - Ảnh 1

Ảnh: Linh Anh

Tương tự, học sinh tại phường Quốc Tử Giám đang phải học "ké" 2 trường tiểu học phường Cát Linh và Lý Thường Kiệt. Ông Lê Ngọc Tú, Chủ tịch UBND phường Quốc Tử Giám lo ngại: Trong 1 - 2 năm nữa, trường Mầm non Hoa Mai có khả năng sẽ bị giải tỏa vì nằm trong tuyến phố Phan Văn Trị kéo dài sang Bộ Tư lệnh Thông tin. Phường đang xem xét, kiến nghị Thành phố thu hồi đất của những công ty, cơ quan sử dụng khai thác sai mục đích hoặc không hiệu quả để lấy đất xây trường. Tuy nhiên, diện tích đất có thể thu hồi khoảng 1.000 - 2.000m2, để xây trường tiểu học không hợp lý. Phường hy vọng, nếu trường Cao đẳng Y tế Hà Nội di dời, khu đất đó sẽ dành xây trường tiểu học.

Chủ trương 1, biện pháp 10

Ủng hộ chủ trương thu hồi đất hoang hóa, đất sử dụng sai mục đích xây trường học, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: "Để làm được việc này, TP Hà Nội phải kiên quyết thực hiện phương châm chủ trương 1, biện pháp 10".

Về việc xây trường theo chuẩn quy định về diện tích đất và số tầng, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng, không nhất thiết phải thực hiện cứng nhắc như vậy. Với 1.000m2 đất, xây trường tiểu học cho 200 em (quy định trường học trong nội thành 5m2/học sinh). Với diện tích khoảng 500m2, có thể xây trường mầm non cao tầng theo mô hình không gian mở. Toàn bộ diện tích tầng 1 sẽ dùng làm sân chơi; những tầng trên được thiết kế mở với các phòng học được ngăn bằng những cái giá, có cầu thang máy. 

Phó Giáo sư Nhĩ cũng đưa ra đề xuất khá hay và hợp lý trong tình hình phát triển chung cư hiện nay: Với những tòa nhà cao tầng không có trường, một giải pháp hữu hiệu mà các nước vẫn làm là dùng tầng 1 và 2 của tòa nhà làm trường mầm non theo mô hình không gian mở. Như vậy, các bậc cha mẹ ở tầng trên rất thuận tiện trong việc gửi con, ngoài ra còn giải quyết được ách tắc giao thông trong giờ cao điểm.