Các nhà nghiên cứu dịch bệnh Ebola mới đây cho biết, bệnh nhân đầu tiên phát tán dịch bệnh Ebola rất có thể là một bé 2 tuổi tại thành phố Gueckedou phía Đông Nam Guinea. Đây được xem là điểm nằm trên ngã 3 biên giới của các nước Guinea, Sierra Leone và Liberia và cả 3 quốc gia này đang là những điểm nóng nhất với đại dịch Ebola. Em bé 2 tuổi người Guinea đã chết ngày 6/12 năm ngoái. Rất nhanh sau đó, gia đình của bé và các y tá, bác sĩ đều chết sau hàng loạt triệu chứng sốt, nôn mửa và tiêu chảy khó hiểu. Dịch bệnh Ebola chỉ được nhận diện 3 tháng sau đó. Thời điểm em bé tử vong, các bác sĩ địa phương không ghi nhận đây là trường hợp nhiễm Ebola, tuy nhiên với các biểu hiện nôn mửa, tiêu chảy và sốt, các nhà khoa học tin rằng đây chính là điểm khởi đầu của đại dịch. Không dừng lại ở gia đình xấu số, trong đám tang của bà cậu bé, nhiều người đến đưa tang đã chạm vào thi thể và 2 trong số họ đã đem virus ra khỏi làng Guéckédou về nơi mình sinh sống. Dần dần virus cứ thế lan đi. Mãi đến khi các chuyên gia y tế phát hiện kẻ giết người là virus tử thần Ebola thì dịch bệnh đã lan tới ít nhất tám thị trấn trong vùng. Guéckédou là khu vực nằm ở biên giới với cả Sierra Leone và Liberia. Do đó, virus Ebola đã có đường tiến vào cả ba quốc gia Tây Phi. Hiện nay, các cơ quan chức năng chưa thể xác minh được nguyên nhân nhiễm bệnh của nạn nhân số 0, các khả năng đã được đưa ra như ăn phải hoa quả nhiễm khuẩn hoặc lây lan qua động vật nhưng chưa thể xác định cụ thể. Xuất hiện nhiều trường hợp nghi nhiễm trên thế giới Từ châu Phi, nay bệnh đang đe doạ cả thế giới khi các trường hợp nghi ngờ đã xuất hiện ở Anh, Mỹ, Philippines… khiến các quốc gia khác “đứng ngồi” không yên. Truyền thông Thái Lan đưa tin, 21 du khách nước này hiện đang được giám sát sức khỏe vì có các triệu chứng nhiễm virus chết người Ebola. Tổng giám đốc Cục Kiểm soát bệnh Thái Lan Sophon Mekthon cho biết các quan chức y tế đã kiểm tra sức khỏe hơn 300 du khách đến Thái Lan từ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch sốt xuất huyết Ebola từ 8/6. Trước đó, Philippines đã phát hiện 7 người nước này nhiễm virus Ebola sau khi trở về từ châu Phi. Hiện những bệnh nhân đang được điều trị tại Philippines. Tại Mỹ, một bệnh nhân mới nhập viện tại bệnh viện Mount Sinai ở New York trong tuần này do sốt và các triệu chứng tiêu hóa tương tự Ebola đã có xét nghiệm âm tính với virus. Bệnh nhân đang trong tình trạng ổn định, có cải thiện và vẫn được các bác sĩ và y tá chăm sóc. Người đàn ông này trước đó mới đi du lịch tới Tây Phi, nơi đang trải qua dịch Ebola chưa từng có trong lịch sử. Nhiều người Anh đã tự nguyện cách ly tại nhà sau khi từ châu Phi trở về do lo ngại có thể bị nhiễm virus Ebola trong khi ở nước ngoài. Các chuyên gia y tế sẽ liên hệ qua điện thoại hằng ngày với những người này để phòng trường hợp họ bắt đầu biểu hiện các triệu chứng của bệnh. Tại Tây Ban Nha, một linh mục 75 tuổi bị nhiễm virus Ebola khi đang chăm sóc người bệnh ở vùng dịch Liberia và ngay lập tức được đưa trở về Tây Ban Nha bằng máy bay quân đội và trong điều kiện cách ly nghiêm ngặt tại bệnh viện Carlos 2 ở Madrid. Ngoài trường hợp này, còn có 1 nữ tu sĩ khác cũng đang phải cách ly và xét nghiệm tại Madrid cho thấy cô âm tính với virus Ebola. Hiện sức khoẻ của nhà truyền giáo này đang ngày càng trở nên xấu đi. Tây Ban Nha đã đề xuất với Mỹ cung cấp thuốc và phương pháp điều trị thành công với 2 bác sỹ của họ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sẽ yêu cầu các chuyên gia đạo đức y học nghiên cứu về việc sử dụng khẩn cấp các thuốc thử nghiệm để đối phó với căn bệnh cực kỳ dễ lây này sau khi một thuốc thử nghiệm đã được dùng cho hai nhân viên y tế Mỹ bị nhiễm bệnh ở Liberia. Hiện tại, số lượng người thiệt mạng vì virus Ebola ở Tây Phi đã lên đến gần 1.000 người. Cuối tuần qua WHO đã công bố dịch Ebola là một vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu và có thể sẽ kéo dài nhiều tháng. Hôm qua, chính quyền Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, cho biết đã có thêm 10 trường hợp mới nhiễm virus Ebola ở nước này và hai người thiệt mạng. Trước đó, Tổng thống Jonathan Goodluck đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Tại Sierra Leone, nhà chức trách triển khai 1.500 cảnh sát và binh sĩ để thực hiện biện pháp cách ly tại các khu vực bùng phát dịch Ebola.