Nhà phê bình Trang Thanh Hiền - Trưởng Ban tổ chức sự kiện hy vọng, trong sự “đứt gãy” của những giá trị văn hóa truyền thống, dự án sẽ đưa văn hóa dân gian sống trong lòng văn hóa đương đại.
Từ 17/1/2016, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học) sẽ mở ra không gian trải nghiệm “Cùng bé sáng tạo - khám phá tranh Tết”. Các hoạt động tìm hiểu và trực tiếp in, vẽ tranh dân gian; đố vui về tranh dân gian… sẽ cho các bé được tham gia vào các hoạt động chuẩn bị cho một không gian văn hóa Tết Việt truyền thống. Với vai trò diễn giả, trong khuôn khổ chương trình, nhà phê bình Trang Thanh Hiền sẽ có một buổi trò chuyện về ý nghĩa và giá trị của tranh Tết dân gian. Những bức tranh qua quá trình lịch sử đã trở thành một thành tố không thể thiếu của đời sống Việt, mang đậm hồn Việt. Ngoài ra, sự khác biệt của các dòng tranh dân gian Việt cũng sẽ được chia sẻ trong buổi nói chuyện này.
Ê kíp tổ chức dự án “Cùng bé sáng tạo-khám phá tranh Tết”.
|
Bà Nguyễn Thu Hòa - nhà sưu tập tranh ở Hà Nội cho biết, hiện nay, kinh tế càng ngày càng phát triển, người dân có nhu cầu tìm về những giá trị dân gian, tâm linh... Tranh dân gian Việt Nam đang từng bước phục hồi và phát triển. Tranh dân gian Đông Hồ là dòng tranh phục vụ cho số đông, kiều bào nước ngoài cũng như người dân trong nước. Có 3 gia đình nghệ nhân vẫn còn giữ được "lửa" nghề: Nghệ nhân Nguyễn Đăng Giáp, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam (con trai là Nguyễn Hữu Quả) và Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Mỗi gia đình ít thì có 2 - 3 lao động, gia đình nhiều thì có tới hơn 10 lao động chuyên làm tranh bán quanh năm. Giá thành một bức tranh Hàng Trống cao hơn tranh Đông Hồ, tranh làng Sình nên nghề truyền thống của Hà Nội xưa chỉ còn có nghệ nhân Lê Đình Nghiêm lưu giữ.
Không chỉ trong dịp Tết, in tranh truyền thống bắt đầu thành trào lưu của các em thiếu nhi khi tham gia các trò chơi ngoại khóa. Đến với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội… vào mỗi dịp Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu, công chúng sẽ thấy các hướng dẫn viên tất bật với tấm ván khắc tranh; trẻ nhỏ cặm cụi tô vẽ từng điểm nhấn để sao cho giống nghệ nhân tranh Đông Hồ. Giữa những ồn ào của nhịp sống hiện đại, mỗi gia đình bắt đầu mong muốn đưa con em tìm về giá trị truyền thống cha ông để lại. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam không dưới 10 năm tổ chức hoạt động in tranh Đông Hồ, Bảo tàng Hà Nội bắt đầu tổ chức từ năm 2015; thế nhưng các em thiếu nhi vẫn không dừng về đây tụ hội.
Sau chuỗi sự kiện “Cùng bé sáng tạo - khám phá tranh Tết”, Ban Tổ chức dự kiến sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động, để vẽ tranh không chỉ còn trong dịp lễ Tết.