KTĐT - Nhu cầu nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt không phải đến giờ mới được nói đến và đây cũng chính là chìa khóa sẽ đem đến sự thành công cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là trong năm 2010 này.
Trải qua một năm thất bát do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, xuất khẩu bước vào năm 2010 với ít nhiều điểm sáng và được kỳ vọng là một động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Đường đi mới
Chưa hết khó khăn nhưng trong năm mới lĩnh vực xuất khẩu vẫn có những điểm sáng để lạc quan. Vào tháng 10/2009, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo thương mại thế giới năm 2010 sẽ tăng 2,5% so với năm 2009.
Gần đây, một số dự báo cho thấy khối lượng thương mại toàn cầu nhờ quá trình phục hồi rõ nét hơn có thể tăng tới 4-5%. “Thêm vào đó, ngoài việc nhu cầu sẽ gia tăng, trong năm nay, giá cả phục hồi sẽ là mối lợi lớn cho xuất khẩu,” tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ nhiệm ủy ban kinh tế của Quốc hội, nhận định như vậy.
Riêng mặt hàng dầu thô và giá lương thực, thực phẩm là hai nhóm hàng chiếm tỷ trọng khá cao trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, dự báo mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng giá chung của hàng hóa.
Bởi vậy, theo dự báo của tiến sĩ Ngoạn, xuất khẩu của Việt Nam năm nay, sau khi loại trừ yếu tố xuất khẩu vàng và giảm lượng xuất khẩu dầu thô, khá khả quan với mức tăng từ 8-10%, vượt cả “đích” ngắm của Bộ Công Thương.
Thế nhưng, nhiều dự báo đưa ra nhận định rằng kinh tế thế giới đã có xu thế phục hồi nhưng còn chậm. Những nền kinh tế phát triển vốn là bạn hàng lớn của Việt Nam vẫn sẽ chỉ có mức tăng trưởng vừa phải, mức nhập khẩu vì thế được dự báo thấp hơn mức tăng chung của thương mại thế giới.
Giáo sư-tiến sĩ khoa học Võ Đại Lược, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nói: “Một vấn đề đáng chú ý là xu hướng bảo hộ mậu dịch đã gia tăng trong năm 2009 và có thể sẽ tiếp tục trong năm 2010 với nhiều biểu hiện phức tạp hơn.”
Bên cạnh đó, số vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp ngày càng tăng lên khi các nước nhập khẩu quan tâm hơn đến việc giành lại thị trường cho các doanh nghiệp của họ - đó sẽ là cản trở lớn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Phân tích trên số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy những ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu mang tính chất gia công, lấy công làm lãi. Hàm lượng chất xám và công nghệ cũng như tỷ lệ giá trị nội địa thấp, chủng loại còn ít nên phần lợi nhuận thu về còn hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng tăng trưởng.
Bởi thế, như nhận định của tiến sĩ Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ngoài việc khó đạt được mức tăng cao như thời gian trước khủng hoảng, nếu không có những giải pháp nhằm tăng nhanh năng lực cạnh tranh, khi các nước phục hồi về tiêu dùng, thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng có thể sẽ rơi vào tay nhiều đối thủ cạnh tranh khác.
“Đã đến lúc xuất khẩu cần cơ cấu lại cả mặt hàng lẫn thị trường, nâng cao hàm lượng gia tăng giá trị và cần bắt đầu ngay trong năm 2010. Công tác xúc tiến thương mại cũng cần phải bài bản hơn, nhìn xa hơn những thị trường quen thuộc,” tiến sĩ Lê Đình Ân nhấn mạnh.
Cụ thể là cần phải tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu mới như thị trường châu Phi, Trung Đông... Các thị trường này hiện vẫn duy trì được nhu cầu nhập khẩu ổn định và không có đột biến trong chính sách thương mại, yêu cầu chất lượng sản phẩm không quá khắt khe, rào cản thương mại không nhiều nên đây thực sự là vùng đất tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam.
Tìm thêm lực đẩy
Nhu cầu nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt không phải đến giờ mới được nói đến và đây cũng chính là chìa khóa sẽ đem đến sự thành công cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là trong năm 2010 này.
Và để nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt, tất nhiên, có những hoạt động đầu tư như đầu tư cho công nghệ hay đầu tư cho nguồn lực sẽ không thể cho kết quả trong nay mai nhưng “cũng có những biện pháp giúp tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm mà không hẳn đòi hỏi nhiều thời gian,” một vị chuyên gia kinh tế khẳng định như vậy.
Chẳng hạn như cải cách hành chính không hẳn đòi hỏi nhiều thời gian nếu có quyết tâm. Chính sách tài khóa, tín dụng cho xuất khẩu hay trong điều kiện có thể thì điều chỉnh tỷ giá cũng là biện pháp kích thích xuất khẩu... Những điều này sẽ tác động tới tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6-7% cho năm nay.
Cũng quan tâm đến vấn đề tỷ giá, Giáo sư Võ Đại Lược có ý nhấn mạnh hơn khi nói rằng tỷ giá VND/USD cần được xem xét và sớm giải quyết. Ông đưa ra hai mô hình tỷ giá ở khu vực Đông Á, đó là mô hình Nhật Bản và Trung Quốc.
Hai nước này đã phá giá đồng nội tệ mức độ cao, sau đó ổn định tỷ giá kéo dài. Đồng yen Nhật Bản vào những năm 60 có mức giá rất thấp so với USD (1 USD có thể được đổi với mức trên 300 yen), sau đó ổn định tỷ giá kéo dài.
Đồng yen giá thấp đã thúc đẩy xuất khẩu của Nhật Bản, hạn chế nhập khẩu vào Nhật Bản, hàng hóa Nhật Bản đã lan tràn sang Mỹ và châu Âu. Còn ở giai đoạn sau đó là những kết quả trái ngược.
Với trường hợp Trung Quốc, vào năm 1994, Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ tới 40-50%, và sau đó cố định tỷ giá này. Xuất khẩu của Trung Quốc bùng nổ, hàng Trung Quốc tràn ngập thế giới với giá siêu rẻ.
Tỷ giá VND/USD đã không vận động theo mô hình nói trên mà theo mô hình cố định có điều chỉnh nhỏ, nghĩa là mỗi năm mất giá 1-2%. Lạm phát ở Việt Nam hàng năm đều cao hơn Mỹ 5-7%, mà chỉ điều chỉnh tỷ giá 1-2%, thì chắc chắn VND đã rơi vào tình trạng cao giá.
“Mức cao giá này đã tích tụ lại trong nhiều năm và đã tác hại tới xuất khẩu và mở cửa ồ ạt cho nhập khẩu. Đây là nguyên nhân cơ bản sâu xa của tình trạng nhập siêu của Việt Nam kéo dài nhiều năm,” ông Võ Đại Lược đưa ra nhận xét.
Tuy nhiên có ý kiến cho rằng dù hạ giá VND cũng không thể tăng được xuất khẩu, vì Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là khoáng sản và nông, lâm, hải sản... là những mặt hàng có giới hạn về trữ lượng và nguồn lực, nên không dễ gì tăng lên.
Giáo sư Võ Đại Lược thừa nhận đúng là không dễ tăng xuất khẩu các sản phẩm trên, nhưng nếu VND được điều chỉnh theo hướng hạ giá, thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu phát triển, các ngành công nghiệp phụ trợ xuất khẩu gia tăng. Và đây cũng là điều kiện rất quan trọng để tái cơ cấu kinh tế Việt Nam theo hướng phát triển công nghiệp chế tạo.
Mặt khác, VND giá thấp hơn sẽ là một rào cản bảo hộ hữu hiệu đối với sản xuất trong nước, vì hàng nhập khẩu sẽ tăng giá, sản xuất trong nước có điều kiện cạnh tranh và phát triển.
Có ý kiến lo ngại là nếu VND hạ giá, thì những món nợ bằng USD mà Việt Nam phải trả sẽ chịu thêm gánh nặng. Thế nhưng, nếu cân nhắc lợi hại, có thể những lợi ích thu được sẽ rất to lớn./.