Tín dụng cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt gần 1,9 triệu tỷ đồng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có báo cáo kết quả cho vay tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tín dụng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, NHNN xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn. Theo đó, NHNN đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; sau đó thay thế bằng Nghị định số 55/2015/NĐ-CP. Và gần đây nhất là Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành các Nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, NHNN đã kịp thời ban hành các thông tư hướng dẫn, đồng thời ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Đơn cử như: Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ thấp hơn 1 - 2% so với lãi suất cho vay các lĩnh vực thông thường khác; thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao với lãi suất thấp hơn 1 - 1,5/năm, mức cho vay các dự án lên tới 90% giá trị của phương án…
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đến nay, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt gần 1,9 triệu tỷ đồng, tăng gần 6% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng hơn 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó, dư nợ đối với DN nông nghiệp đạt gần 600.000 tỷ đồng (tăng 5,51% so với cuối năm 2018); dư nợ cho vay liên kết đạt trên 6.200 tỷ đồng với gần 28.500 khách hàng, tăng 15% so với cuối năm 2018. Dư nợ đối với DN tham gia liên kết đạt 1.930 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31% dư nợ cho vay liên kết.