Quy mô tín dụng đen toàn cầu cuối năm 2011 tăng 8% so với 2007, dẫn đầu là Mỹ với 23.000 tỷ USD, theo sau là eurozone và Anh.
Mỹ là nước dẫn đầu về quy mô tín dụng đen trên thế giới. Ảnh: CNN
Từ năm 2008, ngành công nghiệp tín dụng đen trên thế giới không những không giảm, mà còn bùng nổ mạnh mẽ. Theo Ủy ban Bình ổn Tài chính (FSB) - cơ quan điều tiết các chính sách cải tổ tài chính toàn cầu, quy mô hệ thống ngân hàng bóng tối (shadow banking) trị giá tới 67.000 tỷ USD cuối năm 2011. Số liệu này tăng 8% so với 62.000 tỷ USD năm 2007.
Chiếm khoảng một nửa hệ thống ngân hàng toàn cầu, tín dụng đen là nguồn vốn quan trọng với nhiều cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc này cũng đe dọa đến bình ổn tài chính khi dùng tài sản ngắn hạn để cho vay dài hạn, hoặc tạo ra những chuỗi giao dịch phức tạp có thể đẩy giá lên cao hoặc xuống thấp nhanh chóng.
Năm 2008, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) đã khiến hàng loạt ngân hàng thua lỗ, gây ra cuộc khủng hoảng thanh khoản sâu sắc. Các nhà điều tiết đổ lỗi cho sự thất bại của chứng khoán "nhân tạo", như nợ bảo đảm bằng tài sản thế chấp, và lạm dụng đòn bẩy tài chính. Phần lớn tình trạng này đều nằm trong hệ thống tín dụng đen.
Nhiều nhân viên ngân hàng cho biết các chính sách mới sau khủng hoảng, như tăng yêu cầu vốn và thanh khoản với các tổ chức tài chính, chỉ càng kích thích nhu cầu tín dụng đen. Cùng với đó là rủi ro sụp đổ trong tương lai.
FSB được thành lập bởi 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới năm 2009. Cơ quan này đang cân nhắc một loạt chính sách mới giảm rủi ro hệ thống tiềm tàng do tín dụng đen và sẽ đưa ra khuyến nghị cuối cùng vào tháng 9/2013. Trong báo cáo, FSB cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo tín dụng đen được kiểm soát hợp lý, giảm thiểu các rủi ro kiểu ngân hàng xảy ra bên ngoài hệ thống tài chính thông thường".
Mỹ là nước có tín dụng đen lớn nhất với 23.000 tỷ USD năm ngoái, theo sau là eurozone với 22.000 tỷ USD và Anh với 9.000 tỷ USD. Một số ngân hàng lớn của Anh tham gia vào hoạt động này, như Lehman Brothers và Bear Stearns, đã sụp đổ trong cuộc khủng hoảng 2008.
FSB cho biết: "Từ các số liệu có được, chúng tôi nhận thấy mối rủi ro tương quan có vẻ cao hơn tại các định chế tham gia tín dụng đen". Các trung tâm tài chính lớn, như Hong Kong, Hà Lan, Singapore và Thụy Sĩ đều có quy mô tín dụng đen rất lớn, một phần do hoạt động của các định chế nước ngoài.