Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tín dụng khơi thông, lãi suất vẫn không rẻ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tín dụng toàn ngành ngân hàng (NH) đã tăng trưởng tích cực trong thời gian qua, với mức tăng trưởng hơn 11% sau khi kết thúc 9 tháng năm 2015 và kỳ vọng hoàn tất mục tiêu 15 - 17%.

Giao dịch tín dụng tại Chi nhánh BIDV Thanh Xuân. 	Ảnh: Công Hùng
Giao dịch tín dụng tại Chi nhánh BIDV Thanh Xuân. Ảnh: Công Hùng
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, việc DN cần sử dụng vốn vay trong thời điểm hiện nay cùng mặt bằng lãi suất khó giảm sâu là vấn đề phải được toan tính kỹ.

Tín dụng chảy về đâu?

Theo tính toán của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau 9 tháng, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã tăng 11% so với cuối năm ngoái. Đặc biệt, trong bối cảnh tỷ giá vẫn chưa yên, điều tiết nguồn tiền đồng như thế nào để không ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá là vấn đề được NHNN quan tâm. Số liệu cũng cho thấy, tính đến tháng 9, có khoảng 65% vốn tín dụng được đánh giá là đã chảy vào khu vực sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, trong 5 lĩnh vực ưu tiên, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 8 đạt 811.638 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2014. Đối với 4 lĩnh vực còn lại, mặc dù số liệu cập nhật chỉ mới đến cuối tháng 6, nhưng cho vay lĩnh vực xuất khẩu đạt 184.596 tỷ đồng, tăng 4,99%; cho vay lĩnh vực DN ứng dụng công nghệ cao đạt 25.614 tỷ đồng, tăng 29,12%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt 110.620 tỷ đồng, tăng 3,2% và cho vay DN nhỏ và vừa đạt 976.729 tỷ đồng, tăng 4,07% so với cuối năm 2014. Ngoài ra, tín dụng chảy vào khu vực bất động sản (BĐS) cũng tăng khá mạnh. Theo ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tính đến đầu tháng 9/2015, tín dụng BĐS tăng 13%.

Theo các chuyên gia, tín dụng sẽ vẫn tiếp tục được rót vào các lĩnh vực ưu tiên, nhất là nông nghiệp nông thôn, mà trước mắt là cho vay thu mua lúa gạo trong vụ mùa sắp tới. Ngoài ra, thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, nếu không được điều chỉnh, là ngày 1/6/2016, vì vậy, các NH tham gia chương trình này sẽ phải đẩy nhanh tốc độ giải ngân, ít nhất là trong số tiền họ đã cam kết. Theo dự báo của CBRE Việt Nam, trong 3 tháng còn lại của năm 2015, nhiều khả năng tín dụng vẫn là một trong những “đòn bẩy” của thị trường địa ốc. NHNN đang chỉ đạo các đơn vị rà soát và nghiên cứu tiếp về tín dụng BĐS. Rất có thể, thời gian tới, NHNN sẽ đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng BĐS tùy theo phương hướng phát triển, thế mạnh và sức khỏe của từng NH, cũng như theo mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế ở từng giai đoạn. Theo ước tính của Bộ Xây dựng, tín dụng BĐS năm nay có thể tăng 15%, với quy mô ước đạt khoảng 340.000 tỷ đồng.

Lãi suất vẫn là gánh nặng

Theo nhận định của các chuyên gia, các NH có vẻ như đang chuyển dần danh mục tài sản từ trái phiếu sang một danh mục rủi ro hơn: Tín dụng. Tình huống này trái ngược với các năm trước đây khi NH chỉ tập trung mua trái phiếu, vốn có mức độ an toàn hơn nhiều. Sự chuyển hướng nói trên một phần là do sự khuyến khích của cơ quan quản lý. Trong tháng 8, hàng loạt NH được phép nới giới hạn tăng trưởng tín dụng như VPBank hay Techcombank được tăng tín dụng lên đến 30%. NHNN cũng nâng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng mục tiêu thường niên thêm 2 điểm phần trăm, lên quanh mức 17%. Tại Thông tư về quản lý hoạt động NH gần đây, NHNN cũng đã nới tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn lên gấp đôi so với quy định trước đó.

Nhìn chung, các NH đang mạnh tay đẩy vốn ra thị trường. Không chỉ có khách hàng cá nhân, đối tượng khách hàng chủ chốt được nhà băng nhắm đến trong mùa kinh doanh cuối năm chính là các DN, trong đó tập trung vào DN nhỏ và vừa. Với những nỗ lực của các NH như hiện nay, tín dụng cả năm 2015 sẽ vượt qua con số kỳ vọng 15 - 17% của ngành. Tuy nhiên, có một điều khá lạ trong năm nay đó là các NH vẫn chưa hề có động thái thay đổi biểu lãi suất, không phải khách hàng nào cũng có thể chạm tay vào nguồn vốn giá rẻ NH đưa ra. Tổng giám đốc một NH cổ phần thừa nhận, lãi suất cho vay cấu thành từ rất nhiều yếu tố như lãi suất huy động, chi phí vay, chi phí dự phòng… Đó là chưa nói tới việc phải bù đắp cho các khoản nợ xấu trước đây, vị tổng giám đốc này cho biết và chia sẻ: “Chúng tôi duy trì mặt bằng lãi suất như hiện nay. Nếu huy động tiền gửi tiết kiệm có dấu hiệu chững lại hoặc giảm đi thì có thể NH điều chỉnh nhẹ lãi suất huy động, nhưng không điều chỉnh lãi suất cho vay". Về lãi suất cho vay các DN nhỏ và vừa mà NH đang áp dụng, vị Tổng giám đốc này thừa nhận là vẫn ở mức “tương đối cao” khoảng 8 - 10%/năm.

Theo TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia dự báo lạm phát năm 2015 ở mức 2 - 3%, trong khi các DN hiện vẫn phải trả lãi vay vốn vay trung - dài hạn 9 - 10%/năm là quá bất hợp lý. Vì thế, theo ông Lịch, cần phải giảm lãi suất thì các DN mới có thể chấp nhận được.