Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tín dụng tăng cao, huy động vốn tăng thấp ngân hàng “xoay” vốn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo báo cáo mới nhất về tình hình tiền tệ tháng 10 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế đến cuối tháng 10 đã lên tới 33,29%,

KTĐT - Theo báo cáo mới nhất về tình hình tiền tệ tháng 10 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế đến cuối tháng 10 đã lên tới 33,29%, trong khi tổng số dư tiền gửi của khách hàng thông qua các tổ chức tín dụng chỉ tăng 25,72% so với thời điểm 31/12/2008.

Theo các chuyên gia kinh tế, mức tăng trưởng tín dụng cao có tác dụng kích thích nền kinh tế nhưng cũng có tác động dài hạn tới lạm phát và các cân đối vĩ mô khác. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng cao trong khi huy động vốn không đủ đáp ứng có thể sẽ khiến các ngân hàng gặp khó khăn. Bởi vậy, để hút vốn, các ngân hàng vẫn tận dụng tối đa việc tăng lãi suất huy động. Mặt bằng lãi suất huy động tháng 10 và tuần đầu tiên của tháng 11 vẫn tiếp tục tăng nhằm giữ chân khách hàng cũ, thu hút khách hàng mới.

Báo cáo của NHNN cho biết: Tháng 10, tín dụng bằng VND tăng 2,03% và tín dụng bằng ngoại tệ tăng 2,06% so với cuối tháng 9. Trong khi tổng số dư tiền gửi tháng 10 chỉ tăng 1,85% so với tháng 9.

Việc tăng trưởng huy động vốn thấp, đặc biệt trong thời điểm cuối năm là do các doanh nghiệp đang cần tiền để giải ngân. Một lượng tiền lớn từ các ngân hàng rất có thể sẽ được rút ra phục vụ các nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng như tiêu dùng cuối năm của các khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp. Bởi vậy, việc các ngân hàng đẩy mạnh hút vốn thời điểm này cũng là điều dễ hiểu.

Theo báo cáo về tình hình tiền tệ những ngày đầu tháng 11 của NHNN, lãi suất tiền gửi VND tăng khoảng 0,2-0,4%/năm so với tuần trước. Không chỉ khối cổ phần mà các ngân hàng lớn như Agribank, Vietcombank, BIDV cũng điều chỉnh tăng lãi suất từ từ 0,2- 0,3%/năm. Lãi suất một số ngân hàng như ACB, MB, VIB, SeABank…. tăng từ 0,2-0,4%/năm.

Không chỉ các kỳ hạn dài tăng mà các kỳ hạn ngắn cũng tăng đáng kể. Lãi suất huy động VND theo tuần của ngân hàng TMCP Đông Nam Á là  1 tuần - 7,50%/năm, 2 tuần- 7,80%/năm, 3 tuần- 8,1%/năm.

Hiện, ngân hàng Hàng hải (MSB) cũng đang triển khai chương trình tặng thẻ mua hàng ưu đãi và lãi suất thưởng lên đến 0,3%/năm đối với VND và 0,1%/năm/USD cho khách hàng. Theo đó, lãi suất VND 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng của ngân hàng này đã lên đến 9,53%/năm; 9,73%/năm và 9.85%/năm.

Từ đầu tháng 11,  việc phát hành chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu để tăng thêm nguồn vốn cũng được các ngân hàng tích cực thực hiện. Ngân hàng LienVietBank phát hành chứng chỉ tiền gửi (CCTG). Lãi suất áp dụng cho CCTG bằng VND lên đến 10,20 %/năm cho kỳ hạn 24 tháng, 10,10%/năm cho CCTG kỳ hạn 18 tháng. Đối với CCTG bằng USD, lãi suất cao nhất là 3,14% cho kỳ hạn 9 tháng và 2,82% cho kỳ hạn 6 tháng. Đây là một trong những mức lãi suất CCTG cao nhất hiện nay.

Ngân hàng Hàng hải cũng vừa công bố phát hành thành công được 2.100 tỷ đồng trái phiếu dài hạn năm 2009. Trong đó, 1.800 tỷ đồng kỳ hạn 2 năm và 300 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) cũng đã huy động được 1.362 tỷ đồng đợt đầu năm 2009.

Theo các ngân hàng, việc tăng lãi suất để hút vốn đã phát huy tác dụng rất tốt. Hầu hết các khách hàng được hỏi đều muốn tăng lãi suất huy động hoặc cộng lãi suất thưởng hơn là các chương trình quà tặng, tiết kiệm dự thưởng. “Trong tháng 10, ngân hàng Hàng hải đã 2 lần tăng lãi suất ở tất cả các kỳ hạn. Việc tăng lãi suất đã phát huy tác dụng tích cực, nguồn vốn huy động của ngân hàng chúng tôi tăng lên đáng kể. Vì thế, MSB sẽ vẫn tiếp tục xu hướng tăng này trong tháng 11”- lãnh đạo ngân hàng Hàng hải cho biết.