Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tín dụng tăng, vẫn chưa hết lo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khác với quy luật các năm trước, từ đầu năm đến nay, tín dụng của hệ thống ngân hàng (NH) tăng khá mạnh.

Lãi suất giảm, nền kinh tế phục hồi... đã kích thích nhu cầu vốn của khối DN. Dự đoán được xu hướng này, nhiều NH mạnh tay đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 cao gấp gần 5 lần năm trước. Tuy nhiên, câu chuyện tăng cho vay tại các NH riêng lẻ vẫn gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu vốn của DN vẫn chỉ dừng ở mức duy trì chứ chưa phát triển sản xuất.

Huy động vốn chững lại

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống NH trong quý I tăng 1,25% so với tháng 12/2014, trong khi cùng kỳ năm trước, con số này âm 0,57%. Ngược lại, số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 0,94% so với cuối năm trước, chỉ bằng 1/3 mức tăng cùng kỳ năm 2014 (tăng 2,7%).
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh HDbank Hà Nội.	  Ảnh:  Thanh Hải
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh HDbank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Lãi suất huy động và cho vay của các TCTD trong kỳ cũng có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên ở mức 7%/năm đối với ngắn hạn, 8,5 - 11% đối với tiết kiệm trung và dài hạn. Đáng chú ý nhất là dư nợ các khoản vay trung và dài hạn đã bắt đầu tăng. Đến hết quý I, tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn Hà Nội tăng 1,8% so với cuối năm 2014, trong đó, dư nợ ngắn hạn tăng 1,92%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,59% so với 31/12/2014.

Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ tín dụng tăng mạnh ngay từ đầu năm là do nền kinh tế đã hồi phục, tăng trưởng GDP quý I/2015 là 6,03%. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp và ổn định cũng kích thích vay vốn.

Không dễ với mục tiêu cao

Trước những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, các NH đã mạnh tay đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức ngất ngưởng. Cụ thể, LienVietPostBank đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên tới 77% trong năm 2015, VIB cũng có kế hoạch tăng dư nợ 27% nếu được NH Nhà nước đồng ý. Ngoài 2 NH trên, nhiều NH TMCP cũng lên kế hoạch đề xuất NH Nhà nước nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (20 - 30%). Các NH lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV ổn định chỉ tiêu tăng trưởng ở mức 16 - 17%.

Quyết tâm là vậy, nhưng câu chuyện tăng trưởng tín dụng của các NHTM vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nhóm chuyên gia HSBC cho rằng, nhìn bề ngoài, nền kinh tế Việt Nam khởi động năm 2015 với một vị thế mạnh mẽ. Ngành sản xuất đã tăng trưởng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, lĩnh vực dịch vụ cũng có mức tăng đáng kể 5,8%. Tuy nhiên, trong khi nhu cầu trong nước được cải thiện nhưng các điều kiện bên ngoài lại xấu đi, tạo sức ép lên hai nguồn thu ngoại tệ chính. Xuất khẩu mặc dù vẫn còn cao so với tiêu chuẩn khu vực trong quý I/2015 nhưng cũng đã giảm xuống mức 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái (quý I/2014 tăng 12,7%). Các lô hàng từ các DN trong nước tiếp tục giảm trong quý vừa rồi càng nêu bật việc DN Việt Nam đang dần mất năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn của DN vẫn chưa thực sự cao. Giám đốc một công ty sơn có trụ sở trên địa bàn quận Nam Từ Liêm cho biết, công ty của ông hiện vẫn tiếp cận tín dụng với các NH có quan hệ tín dụng từ trước. “Thời gian qua, lãi suất cho vay đã giảm nhưng kinh tế vẫn chưa thực sự phục hồi. Vì thế, DN chưa có nhu cầu tăng thêm hạn mức tín dụng được vay” – vị Giám đốc này nói.

Thực tế, thời gian qua, đa số các DN chủ yếu vay vốn để phục hồi và duy trì sản xuất nhiều hơn là mở rộng sản xuất. Bởi vậy, với nhiều NH, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 được cho là rất gian nan.
Mới đây, NH Nhà nước chi nhánh TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 463/HAN-THP về việc thực hiện chương trình kết nối NH - DN. Căn cứ vào mặt bằng lãi suất chung hiện nay, NH Nhà nước chi nhánh Hà Nội chỉ đạo các TCTD trên địa bàn điều chỉnh lãi suất tín dụng đối với các DN tham gia chương trình kết nối NH - DN ở mức giảm từ 1 - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường nhưng không vượt quá 7%/năm đối với cho vay ngắn hạn và không vượt quá 9%/năm đối với cho vay trung và dài hạn để tiếp tục hỗ trợ DN.