Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tín hiệu thành công cho cuộc gặp Mỹ - Triều Tiên ngày càng lớn

Thuỵ Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cả Mỹ lẫn Hàn Quốc đều được thông tin trước về chuyến đi của ông Kim Jong-un đến Trung Quốc, cho thấy các bên liên quan đều cùng hướng tới cuộc gặp liên Triều và Triều Tiên - Mỹ.

Gần 7 năm sau khi kế nhiệm cha mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới thực thi chuyến công du nước ngoài đầu tiên và thật ra không có gì là khó hiểu khi ông Kim Jong-un chọn Trung Quốc là đích tới thăm đầu tiên. 
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 
Trung Quốc xưa nay vốn là đồng minh và đối tác quan trọng nhất đối với Triều Tiên. Chuyến thăm Trung Quốc này của ông Kim Jong-un còn đặc biệt đáng được chú ý đến bởi hai lý do: Thứ nhất, trong thời gian vừa qua mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên cả trên danh nghĩa lẫn ở thực chất đều không còn được hoàn toàn suôn sẻ và tin cậy như trước đó.
Thứ hai, ông Kim Jong-un sắp có cuộc gặp tay đôi với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở Bàn Môn Điếm dự kiến vào cuối tháng 4 tới và với tổng thống Mỹ Donald Trump ở địa điểm chưa được công bố vào cuối tháng 5 này.
Hai điều ấy cho thấy mục đích chuyến đi Trung Quốc của ông Kim Jong-un và mục đích của Trung Quốc đón ông Kim Jong-un sang thăm không chính thức là xốc lại quan hệ song phương và cùng chuẩn bị cho hai sự kiện lớn nói trên, cụ thể là thống nhất quan điểm và phối hợp hành động.
Điều đáng được chú ý nữa là cả Mỹ lẫn Hàn Quốc đều được thông tin trước về chuyến đi của ông Kim Jong-un. Ông Trump còn nhờ Trung Quốc chuyển thông điệp của mình tới ông Kim Jong-un. Tất cả những động thái mới này đều cho thấy tất cả các bên liên quan là Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc đều cùng nhau hướng tới hai sự kiện lớn giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và với Mỹ, đều kiên định quyết tâm tiến hành cuộc gặp và dường như đều tin rằng cả hai cuộc gặp cấp cao này sẽ thành công.
 Đang có nhiều tín hiệu lạc quan về cuộc gặp giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Trump.
Thành công ở đây phải được hiểu là vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như cam kết đảm bảo an ninh cho Triều Tiên không chỉ có trên chương trình nghị sự mà còn được thoả thuận giải quyết hoặc ít nhất cũng có thoả thuận về định hướng giải pháp cũng như lộ trình tiếp theo đưa đến giải pháp.
Trong trao đổi với ông Kim Jong-un ở Bắc Kinh, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không chỉ đề cao mối quan hệ truyền thống giữa hai nước láng giềng này mà còn khẳng định hậu thuẫn chiến dịch ngoại giao của Triều Tiên nhằm tới hoà dịu và đối thoại trực tiếp với Hàn Quốc và Mỹ.
Sự hậu thuẫn của Trung Quốc sẽ giúp ông Kim Jong-un nâng cao vị thế và tự tin hơn trong xử lý các mối quan hệ đối ngoại và an ninh, đặc biệt với Mỹ và Hàn Quốc trong thời gian tới. Nhưng đồng thời với chuyến đi này của ông Kim Jong-un và với sự khẳng định là sẵn sàng phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên nếu có được cam kết của các đối tác về đảm bảo an ninh cho Triều Tiên.
Triều Tiên đã mở đường dọn lối cho Trung Quốc dẫu không tham gia trực tiếp mà vẫn có phần trong diễn biến và kết quả của hai sự kiện lớn sắp tới và có con chủ bài mới cho quan hệ với Mỹ trong bối cảnh tình hình bị phía Mỹ gia tăng gây hấn về trao đổi thương mại. Một thời kỳ chính trị an ninh mới đang thai nghén trên bán đảo Triều Tiên và cho khu vực Đông Bắc Á với những kiến trúc sư chủ chốt là lãnh đạo bốn nước Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc. Thế giới bên ngoài có thêm lý do nữa để có thể lạc quan về triển vọng hoà bình và an ninh cho khu vực này.