Nhưng, bên cạnh cái sự nghèo đi của ĐTVN là khá nhiều điều tích cực. Tích cực ở chỗ, bản thân các cầu thủ, những ngôi sao tiền tỷ đã không còn bị ám ảnh bởi những khoản tiền thưởng trước thềm mỗi giải đấu lớn. Trước đây, bản thân các cầu thủ luôn có tâm lý rung rinh và tự hỏi rằng, mình sẽ có bao nhiêu tiền nếu đạt được thứ hạng nào đó?
Có thể, cầu thủ bây giờ giàu hơn nên cái họ cần chính là thứ vinh quang từ sân bóng chứ không phải là khoản tiền thưởng dù lớn đến đâu những vẫn hữu hạn. Đó là thực tế! Một vài trăm triệu tiền thưởng bây giờ không quá lớn với một tuyển thủ. Thế nên, họ xác định chiến đấu vì danh vọng, vì muốn có được một kỳ tích trong cuộc đời chứ không phải vì những khoản tiền thưởng.
Ở một góc độ khác, không chạy theo những sự kiện rình rang treo thưởng sẽ giúp cho ĐTVN ổn định và chuyên tâm hơn trong công việc chính của mình. Trước đây, có những thời điểm ĐTVN phải chạy sô từ sự kiện này sang sự kiện khác để nhận những khoản công bố thưởng thật hoành tráng nhưng thiếu tính khả thi.
Có không ít lần, người ta coi việc treo thưởng cho ĐTVN như trò leo cột mỡ. Khoản tiền lớn sẽ được trao nếu ĐTVN giành ngôi vô địch. Vấn đề là có rất ít cơ hội cho ĐTVN vô địch và doanh nghiệp thì được tiếng nhưng không mất tiền.
Lại có trường hợp, đội tuyển được thưởng bằng hiện vật nhưng không bán được, bằng cổ phiếu, nhưng giá trị chẳng khác nào mớ giấy lộn. Mà doanh nghiệp cho thì ĐTVN phải nhận. Nhận nhưng chẳng có ích lợi gì nên chỉ mua vào thân sự bực bội, hoài nghi lẫn nhau.
Và bây giờ, ĐTVN không chơi trò leo cột mỡ nữa. Họ sẽ chiến đấu với tất cả những gì mình có để phụng sự người hâm mộ với niềm tin rằng, "gái có công thì chồng không phụ".