Tin tặc tấn công Chính phủ Mỹ

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt cơ quan Chính phủ Mỹ đã trở thành nạn nhân của cuộc tấn công mạng quy mô lớn. Ít nhất 6 cơ quan quan trọng trong Chính phủ Mỹ gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Năng lượng, Bộ An ninh nội địa và Bộ Thương mại trở thành nạn nhân của cuộc tấn công mạng quy mô lớn gần đây.

Chính phủ Mỹ trải qua cuộc tấn công mạng được cho là lớn nhất trong vòng 10 năm qua.
Nguồn căn chưa xác định
Cơ quan An ninh cơ sở hạ tầng và an ninh mạng Mỹ (CISA) cho biết, chiến dịch tấn công bắt đầu ít nhất từ tháng 3/2020 và được công khai vào ngày 8/12 khi Công ty an ninh mạng FireEye thừa nhận bị tin tặc tấn công, đánh cắp công cụ chuyên dùng để kiểm tra hệ thống máy tính khách hàng. Đài BBC nhận định, tin tặc đã tấn công "trái tim" của Chính phủ Mỹ khi trong danh sách “nạn nhân” này có cả Cơ quan quản lý an ninh hạt nhân quốc gia (NNSA, vốn giám sát kho vũ khí hạt nhân của Mỹ).

Trước sự việc này, Tổng thống đắc cử Joe Biden cho biết, ông rất lo ngại về cuộc tấn công mạng và tuyên bố sẽ bắt những kẻ đứng sau phải trả giá đắt ngay sau khi nhậm chức. Giới chuyên gia đánh giá, đây là cuộc tấn công lớn nhất nhằm vào Mỹ trong một thập niên qua và tin tặc có thể đã đánh cắp những bí mật lớn của chính phủ. Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien ngày 15/12 phải rút ngắn chuyến công du châu Âu để ngay lập tức quay về nước triệu tập cuộc họp khẩn Hội đồng An ninh quốc gia bàn về vụ việc.

Hàng loạt nghị sĩ Quốc hội Mỹ đang yêu cầu chính phủ cung cấp thêm thông tin về nguồn gốc và quy mô của cuộc tấn công. FBI, CISA và Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ hôm 16/12 thành lập tổ chuyên trách để điều tra, thu thập tình báo về hung thủ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 18/12 nói Nga đứng sau vụ tấn công mạng. Ông trước đó cũng ám chỉ sự liên quan của Nga, rằng Moscow từng nhiều lần cố gắng xâm phạm các mạng lưới của Washington. Trong khi đó, tuyên bố mới nhất lại mở thêm một khả năng Bắc Kinh đứng sau vụ việc, đồng thời cho rằng rất có thể một vụ tấn công tương tự vào các máy bỏ phiếu làm ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Hiện chưa có chứng cứ ủng hộ những tuyên bố này.

Nguy cơ lan rộng

Không chỉ dừng chân tại Mỹ, vụ tấn công mạng quy mô lớn vào nước Mỹ được cho là còn nhắm vào nhiều mục tiêu khác trên thế giới. Chủ tịch Microsoft Brad Smith trên tài khoản mạng xã hội cá nhân cho biết, đến nay, cơ quan chức năng xác định thêm nhiều nạn nhân ở 7 nước trên thế giới, như ở Bỉ, Anh, Canada, Israel, Mexico, Tây Ban Nha và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Nhiều nguồn tin tiết lộ, tin tặc đã sử dụng dịch vụ đám mây của Microsoft nhưng không xâm nhập toàn hệ thống của hãng. Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) cũng cho rằng, Microsoft không phải là nguồn lây nhiễm mã độc.

Hiện Microsoft và DHS đang điều tra sự việc này. Mục đích của tin tặc là lan truyền chương trình độc hại đó tới hàng loạt công ty Mỹ và mạng nội bộ của các cơ quan chính phủ. Cho tới nay, các tin tặc được cho là đã theo dõi thư điện tử hoặc dữ liệu trong Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, DHS và Bộ Thương mại Mỹ.