Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tình ảo “Xứ sương mù” và món lừa 90 ngàn USD

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cục Cảnh sát hình sự (C45) - Bộ Công an đang chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố, chủ công là Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Cần Thơ điều tra về một đường dây tội phạm quốc tế, chuyên lừa đảo các nữ trí thức (đa số muộn đường chồng con) với các “kịch bản” được xây dựng cực kỳ hoàn hảo.

Các màn kịch này hoàn hảo đến mức dù có trình độ hiểu biết về ngoại ngữ, công nghệ cao, kiến thức xã hội… nhưng các cô gái này vẫn bị lừa một cách ngoạn mục. 
 
Bọn chúng đóng vai các chàng trai ngoại quốc đẹp đẽ, có học thức, giàu sang về kinh tế để làm quen, muốn kết hôn với các cô gái cũng đang khao khát một tình yêu đích thực ở cái tuổi thường đã ngoài 30. Khi các cô đang mộng tưởng về kết thúc đẹp đẽ của những mối tình xuyên biên giới ấy thì bị các đối tượng dẫn dắt vào các bẫy lừa đảo tiền ngoạn mục. Hàng trăm nữ trí thức, đang làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, rồi giáo viên… ở 24 tỉnh, thành phố đã trở thành nạn nhận của băng nhóm tội phạm quốc tế nói trên.
 
Tình ảo “Xứ sương mù” và món lừa 90 ngàn USD - Ảnh 1
Lang thang chát, làm quen trên mạng, các nữ trí thức có thể trở thành nạn nhân của các đối tượng.
 
Chị Nguyễn Thu T. là nữ trưởng phòng rất năng động trong một doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Công việc bận rộn đã cuốn trôi của chị những năm tháng trẻ trung. Ngoảnh lại, T đã ngoài 30 tuổi, chị giật mình vì đã ở cái tuổi khó kén chọn một tấm chồng. Đôi lúc nhìn bạn bè đề huề chồng con, T. cũng chạnh lòng. Chị đành khỏa lấp nỗi buồn bằng cách hàng ngày làm việc miệt mài và lên mạng Internet chát.
 
Vào tháng 5/2012, tình cờ khi lang thang trên mạng, chị T. quen một người đàn ông tự xưng tên là Raivin Jonhson, quốc tịch Anh. Khi Raivin đưa bức ảnh của mình cho chị T., thực sự đã tạo thiện cảm của chị với gương mặt bảnh trai, rất trí thức. Raivin tâm sự rằng, mình 42 tuổi, đã có vợ nhưng không may tử vong trong một tai nạn giao thông. Hiện Raivin đang nuôi một cậu con trai nhỏ.
 
Những tâm sự buồn của Raivin đã lay động tấm lòng trắc ẩn của cô gái Việt Nam. Từ chỗ cảm thông, chia sẻ, họ đã chát với nhau những dòng yêu thương. Rồi một ngày, chị T vô cùng xúc động trước lời tỏ tình, xin được kết hôn của người đàn ông ngoại quốc. Nửa tháng sau, Raivin gọi điện cho chị T, báo rằng được nghỉ phép và sẽ sang Việt Nam thăm vợ sắp cưới. Anh này cũng gửi kèm cho chị T một lịch trình bay từ Anh quốc sang sân bay Nội Bài…
 
Ngày Raivin theo lịch trình bay về Việt Nam đã đến. Chị T. vô cùng hồi hộp và hạnh phúc khi nghe thấy giọng nói ấm áp của người bạn đời tương lai thông báo vừa xuống sân bay Nội Bài. Nhưng sau đó, không hiểu vì sao, điện thoại của Raivin bị tắt ngóm.
 
Chị T. ruột nóng như lửa đốt. 15 phút sau, một người phụ nữ tự xưng tên là Thảo, hải quan sân bay Nội Bài gọi điện cho chị T., thông báo đang tạm giữ Raivin Jonhson vì phát hiện trong hành lý của anh này có mang theo 580 ngàn USD. Muốn “giúp” bạn thoát nạn thì chị T. phải nộp vào một tài khoản do nữ “cán bộ hải quan” đưa ra số tiền 1.000 USD.
 
Sau đó, Thảo còn yêu cầu chị T. nộp thêm một số khoản khác nữa để “cứu” Raivin rồi tắt máy. Chỉ có Raivin lên mạng chát với chị T., khẩn khoản nhờ “vợ sắp cưới” nộp tiền cứu, khi được thả ra sẽ lấy tiền bị tạm giữ trả lại. Sau nhiều lần nộp tiền (khoảng 26 ngàn USD), chị T. nghi ngờ, bay từ TP HCM ra sân bay Nội Bài kiểm tra.
 
Chị vào hỏi hải quan Nội Bài thì được biết, họ không hề tạm giữ ai tên là Raivin về hành vi trên. Hoang mang, nghi ngờ, chị T. lên mạng chát. Raivin vẫn nói rằng đang bị giam giữ ở một căn phòng phía sau sân bay. Chị T. bảo Raivin đi ra cửa để gặp thì anh ta nói hải quan đang giam, không cho ra. Nhùng nhằng một lúc thì chị T. phải bay ngược lại TP HCM cho kịp buổi làm việc sáng hôm sau…
 
Hôm sau, Raivin lên mạng chát khá sớm, nói đã được thả ra, nhưng có việc gấp phải bay về Anh luôn. Người đàn ông ấy hết lời cảm ơn người vợ tương lai đã nhiệt tình cứu anh ta thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật Việt Nam. Raivin đề nghị chị T. đưa số tài khoản để anh này chuyển trả số tiền chị T. đã bỏ ra, đồng thời sẽ chuyển cho chị T. cả số tiền 580 ngàn USD để thời gian sau qua Việt Nam sẽ không phải mang theo tiền mặt, tránh gặp rắc rối với hải quan Việt Nam như lần vừa rồi. Hai ngày sau, Raivin lại xin địa chỉ nhà chị T., nói rằng muốn gửi tặng chị một số món quà để bày tỏ tấm lòng chân tình của mình.
 
Anh ta chuyển cho chị T. một mã vạch đường chuyển phát nhanh món quà trên. Quả thực, khi vào mạng Internet kiểm tra, chị T. thấy có trang web mang tên công ty chuyển phát nhanh nói trên, trong đó có tên Raivin Jonhson gửi cho chị T. món quà theo lịch trình từ Anh quốc - Singapore - Malaysia - Việt Nam.
 
Khi xem mã quà, chị T. thấy có các món đồ: hoa, dây chuyền, đồng hồ đeo tay, máy tính, khối lượng 19kg. Quái lạ, sao mấy món đồ trên lại nặng đến thế nhỉ? Chị T. đã đem thắc mắc của mình hỏi Raivin thì được anh này giải thích: đã nhờ người quen làm ở công ty chuyển phát nhanh cho số tiền 400 ngàn USD vào bên trong gói quà để đỡ phải mất phí chuyển tiền tài khoản. 
 
Khoảng 2-3 ngày sau, một người gửi mail bằng tiếng Anh cho chị T., nội dung nói họ là nhân viên của công ty chuyển phát nhanh nói trên ở Malaysia. Họ đã phát hiện bên trong món quà có tiền mặt, vi phạm quy định nên yêu cầu chị T. nộp phạt 10 nghìn USD.
 
Chị T. thấy bải hoải, gọi cho Raivin nói rằng mình không có khả năng nộp phạt nữa. Vẫn rất dịu dàng, Raivin nói với chị T. rằng anh ta sẽ nhờ một người bạn ở Malaysia giải quyết. Rồi hôm sau, Raivin lại nhăn nhó, người bạn của anh ta chỉ có 9 nghìn USD nộp phạt, còn thiếu 1.000 USD, nếu chị T. có tiền ứng ra, khi nào gói tiền chuyển về Việt Nam thì chị sẽ tự trừ đi. Đã trót đâm lao đành theo, chị T. tiếp tục gửi 1.000 USD. Rồi họ lại yêu cầu chị T. nộp thêm một vài khoản phí nữa mà món quà vẫn chưa được giải tỏa khỏi Malaysia.
 
Sau đó, Raivin nói đã bay sang Malaysia để giải quyết và lấy được món tiền ra. Anh ta lại nói rằng đã gửi vào tài khoản cho chị T. số tiền 350 ngàn USD và cẩn thận mail cho chị T. tờ hóa đơn nộp tiền vào Ngân hàng Malaysia, rồi mới bay về nước. Thế nhưng, vài ngày sau, chị T. lại chỉ nhận được điện thoại của hai người, nói là nhân viên Ngân hàng Malaysia, đang nhận chuyển tài khoản số tiền trên của Raivin cho chị T., yêu cầu chị T. nộp một số khoản phí.
 
Khi nộp mãi vẫn chưa được nhận tiền, chị T. đâm bực bội, nói với Raivin rằng không còn khả năng nữa. Vẫn với cái giọng rất đỗi dịu dàng, Raivin lại nói rằng, anh ta sẽ sang Malaysia giải quyết, sẽ rút tiền để gửi theo một công ty bảo vệ tiền tệ của Thụy Sỹ cho chắc chắn. Nhưng rồi, lại có 2 người khác gọi điện cho chị T., “mời” chị sang Malaysia làm thủ tục nhận tiền.
 
Một ngày sau đó, chị T bay sang Malaysia. Một người phụ nữ Malaysia và một tài xế da đen đến đón chị đưa về khách sạn gặp một ông chủ của công ty bảo vệ tiền Thụy Sỹ. Người này lấy ra một vali, nói rằng đây là vali do Raivin gửi và kêu chị T gọi điện cho Raivin để lấy mật mã mở. Bên trong chật ních các xấp tiền USD.
 
Tuy nhiên, trên mặt tờ tiền nào cũng có đóng dấu đỏ, theo giải thích đó là dấu để bảo vệ tiền. Các đối tượng đã lấy ra một chai hóa chất rửa 2 tờ tiền có mệnh giá 100 USD đưa cho chị T., nói mang về khách sạn tiêu thử. Thấy chị T. tiêu thụ thuận lợi 2 tờ tiền trên, bọn chúng nói rằng, cả vali đó là tiền thật, nhưng bây giờ chị phải bỏ ra 49 ngàn USD để mua hóa chất rửa toàn bộ dấu đỏ của số tiền trên mới mang về được Việt Nam. Lúc này, tính ra, chị T. đã mất với các đối tượng này quá nhiều tiền, tổng cộng 90 ngàn USD, tương đương gần 2 tỷ đồng Việt Nam.
 
Vì thế, khi thấy các đối tượng tiếp tục yêu sách một số tiền lớn đến thế, chị cảm thấy bực bội, tức tối. Chị bay về Việt Nam. Đến bây giờ, các đối tượng vẫn mail, rồi gọi điện yêu cầu chị nộp thêm phí để chuyển tiền về Việt Nam. Nhưng có lẽ, chị T. đã cảm nhận được rằng mình bị lừa nên chua chát chọn bài yên lặng… Tiền mất đành nhẽ, mối tình xuyên biên giới những tưởng sẽ đưa chị đến một tương lai đẹp đẽ hơn giờ cũng tan biến…
 
Theo các điều tra viên cho biết, trong các bị hại, nhiều cô gái đã bị các đối tượng lừa, đưa sang Malaysia để biểu diễn chiêu dùng hóa chất rửa tiền như đối với chị T. Có trường hợp, khi không moi thêm được tiền của bị hại, các đối tượng quay sang giở thói lưu manh, nói rằng đã ghi lại bằng chứng các chị tham gia rửa tiền cùng bọn chúng ở nước ngoài và sẽ tố cáo với Cảnh sát Việt Nam. Nếu muốn tránh chuyện dây dưa với pháp luật, chúng yêu cầu các chị phải đưa thêm tiền để chúng tiêu hủy chứng cứ…