Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; và công tác phòng chống tham nhũng. Đặc biệt đã giảm được 1,3% tội phạm xâm phạm trật tự xã hội và giảm được một số loại án như giết người, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2012 còn diễn biến phức tạp gây bức xúc cho người dân.
Nhiều đại biểu quan tâm bàn về việc tìm nguyên nhân và giải pháp ngăn chặn tội phạm vị thành niên. Đa số đại biểu cho rằng, căn nguyên sâu xa dẫn tới trẻ vị thành niên phạm tội là do thiếu sự kết hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Các đại biểu cho rằng để hạn chế tình trạng này, cần tăng cường giáo dục đạo đức, truyền thống đặc biệt ở trong nhà trường.
Sáng 2/11, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, đoàn Bình Dương cho rằng, có nguyên nhân từ việc thực hiện cải cách tư pháp chưa đồng bộ. “Có nguyên nhân cần phải được nghiên cứu đó, là việc thực hiện cải cách tư pháp còn chưa đồng bộ với việc thực hiện cải cách kinh tế, cải cách hành chính. Chính vì vậy chưa đưa ra được hệ thống các chính sách về phòng ngừa vi phạm và tội phạm, chính sách xử lý các hành vi vi phạm, chính sách xử lý các tội phạm phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay. Hai là việc thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính, đổi mới nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức còn nhiều hạn chế. Ba là công tác xây dựng hoàn thiện thể chế chậm đổi mới” – đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nói.
Nhiều đại biểu cho rằng, tình trạng người vi phạm pháp luật gia tăng còn có nguyên nhân từ sự vô cảm của chính những người làm trong các cơ quan công quyền, khi giải quyết các sự vụ liên quan tới người dân. Các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần có đào tạo bài bản hơn cho công chức và khuyến khích việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt với công chức trong ngành tòa án và với ngành tòa án và ngành kiểm sát.
Đại biểu Lê Thanh Vân- Đoàn Hải Phòng kiến nghị: “Ngành tòa án nên chú tâm đến việc xét xử những vụ án hành chính để khôi phục niềm tin cho nhân dân, còn đối với ngành kiểm sát điểm yếu hiện nay là tranh tụng tại phiên tòa. Chúng ta thấy có nhiều lập luận, nhiều dẫn chứng mà kiểm sát viên giữ quyền công tố trước tòa đuối lý trước luật sư. Tôi đề nghị cần có cải cách mạnh mẽ trong tư pháp theo hướng bảo đảm quyền thuận lợi nhất cho luật sư hành nghề, bảo đảm sự tranh tụng công khai giữa 2 chiều”.
Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Tổng thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã giải trình thêm nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra. Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thừa nhận một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong thời gian vừa qua chưa phát huy hiệu quả và cho biết: “Chúng ta vừa ban hành 9 giải pháp phòng ngừa, trong đó có 4 giải pháp phòng ngừa được đánh giá là có hiệu quả tích cực, gồm: cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch của các cơ quan, tổ chức đơn vị xây dựng chế độ định mức tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử; còn 2 giải pháp khác được đánh giá là có kết quả trung bình là chuyển đổi vị trí công tác và xử lý người đứng đầu. 3 biện pháp được đánh giá là hiệu quả thấp và còn hình thức đó là kê khai tài sản thu nhập, trả lương qua tài khoản và nộp lại quà tặng”.