Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tinh hoa đồ gỗ Sơn Đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng nghề Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức) nổi tiếng hàng trăm năm nay với nghề điêu khắc đồ thờ, tượng Phật... Không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đồ gỗ Sơn Đồng còn vươn ra thị trường thế giới.

Sầm uất và sung túc

Mới chỉ đặt chân đến đầu làng Sơn Đồng đã nghe lách cách tiếng đục đẽo trên gỗ và thấy những đoàn xe nhộn nhịp vào ra. Những âm thanh đó như sự riêng có của một làng nghề sầm uất với cuộc sống sung túc của người dân nơi đây. Gia đình anh Nguyễn Văn Phú có truyền thống làm nghề lâu đời nhất nhì làng Sơn Đồng, đang tất bật chuẩn bị hàng giao cho khách. Anh Phú chia sẻ, gia đình anh mưu sinh bằng nghề điêu khắc gỗ đã nhiều đời. Khi còn nhỏ, mới chỉ biết cầm dùi, cầm đục, anh đã thích nhìn ngắm những đồ gỗ được chạm khắc công phu. Cứ thế, nghề điêu khắc gỗ "ngấm" vào anh từ lúc nào không hay. Gia đình anh có được cơ ngơi khang trang như ngày nay cũng là nhờ làm nghề này.
Một xưởng sản xuất đồ gỗ ở Sơn Đồng.
Một xưởng sản xuất đồ gỗ ở Sơn Đồng.
Sản phẩm của làng nghề Sơn Đồng rất đa dạng, từ tượng Phật, tượng Đức Thánh, các linh vật đến hoành phi, câu đối, cuốn thư, án gian, ban thờ... Để chế tác ra một sản phẩm mỹ nghệ bằng gỗ không hề đơn giản, nhất là trong chế tác đồ thờ và tượng Phật lại càng đòi hỏi yêu cầu khắt khe về kỹ thuật hơn làm đồ mộc thông thường. Người làm nghề phải am hiểu và tuân thủ theo các niêm luật của tín ngưỡng tôn giáo, để bức tượng trở nên sống động, có hồn và thể hiện được sắc thái riêng của từng tầng bậc. "Chỉ những người có tay nghề vững, có phẩm hạnh tốt, tâm luôn hướng tới cái thiện mới tạo được những bức tượng Phật có hồn, thỏa được tâm nguyện của khách hàng" – anh Phú cho biết.

 Gia đình ông Nguyễn Viết Sự cũng đã từng nhiều năm làm nghề chạm khắc gỗ, hiện chuyển sang bán các sản phẩm của làng. Theo ông Sự, sản phẩm bán chạy nhất ở cửa hàng nhà ông là những pho tượng Phật để các thiện nam, tín nữ cung thỉnh tại các đình, đền, chùa. Giá của sản phẩm có nhiều loại, tùy theo kích cỡ, hoa văn. Có sản phẩm trị giá đến hàng chục triệu đồng, nhưng cũng có sản phẩm chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng. Lượng khách đến tham quan và mua sản phẩm của làng nghề Sơn Đồng hàng ngày tương đối đông. Họ là khách thập phương từ trong Nam ngoài Bắc và có cả khách du lịch nước ngoài. "Nhiều chủ cửa hàng ở đây ký hợp đồng làm đồ thờ và tạc tượng Phật lên đến hàng tỷ đồng, nên ở làng nghề Sơn Đồng hiện không hiếm người  đã trở thành tỷ phú" – ông Sự nói.

Mong quy hoạch phát triển bền vững

Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Sơn Đồng Nguyễn Danh Sơn cho biết, thôn Sơn Đồng hiện có 400 hộ dân, 50% trong số này chuyên làm nghề điêu khắc gỗ với gần 300 xưởng sản xuất. Cả làng có trên 4.000 thợ lành nghề và không ít nghệ nhân tài hoa. Năm 2014, doanh thu của làng nghề đạt 41 tỷ đồng. Không chỉ đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của xã, làng nghề Sơn Đồng còn là nơi tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động ở nhiều địa phương khác quanh vùng với thu nhập trung bình từ 3 – 5 triệu đồng/người/tháng. Cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác, hiện nay, Sơn Đồng đang phải đối diện với nhiều thách thức về môi trường, mặt bằng sản xuất, thị trường... Trong đó, đầu ra cho sản phẩm làng nghề đang gặp không ít trở ngại. Tuy nhiên, những hộ có sản phẩm đảm bảo chất lượng và làm theo đơn hàng vẫn có đầu ra ổn định. Một bộ phận nhỏ những hộ làm hàng “chợ” thì đầu ra giảm khoảng 20%. Chính vì vậy, Hiệp hội làng nghề Sơn Đồng đã tuyên truyền, vận động tất cả các hội viên đoàn kết, sản xuất đảm bảo chất lượng, tránh cạnh tranh không lành mạnh, làm mất thương hiệu làng nghề. Dẫu phải đối diện với muôn vàn khó khăn, có giai đoạn tưởng như làng nghề không thể trụ lại được, nhưng người làng Sơn Đồng dù ở thời điểm nào cũng luôn quyết tâm giữ nghề, tìm hướng để mở mang, phát triển.

Liên quan tới vấn đề môi trường làng nghề, ông Sơn thẳng thắn cho rằng, không thể phủ nhận nghề chế tác đồ mỹ nghệ gây ít nhiều tình trạng ô nhiễm về tiếng ồn và bụi. Để giải quyết vấn đề này, huyện Hoài Đức đã xây dựng quy hoạch riêng cho làng nghề Sơn Đồng. Tuy nhiên, quy hoạch vẫn chưa được triển khai do nhiều nguyên nhân. Vì vậy, người dân rất mong các cấp chính quyền sớm phê duyệt, triển khai quy hoạch để tổ chức lại làng nghề Sơn Đồng sản xuất theo hướng phát triển bền vững.