Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tình huống giáo dục

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên các diễn đàn internet gần đây, nhiều em bày tỏ sự buồn chán khi bố mẹ cãi nhau và giải pháp được đưa ra nhiều nhất là "hãy bỏ đi nơi khác để cho phụ huynh thích làm gì thì làm".

Thực tế cho thấy, những mâu thuẫn giữa cha mẹ đôi lúc không gây ra tác hại ngay lập tức, nhưng có ảnh hưởng xấu trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Rất nhiều trẻ phản ứng lại bằng cách tỏ ra hung hãn, dễ gây hấn, kích động ở những môi trường khác. Nhiều em bắt đầu có biểu hiện bất cần, tỏ ra bạo lực với bạn bè...

Một cô bé bày tỏ với bạn rằng không muốn về nhà bởi bố mẹ cô bé cứ gặp nhau là to tiếng. Lúc đầu còn là những bất đồng trong quan điểm sống, sau là bất cứ chuyện gì họ cảm thấy không hài lòng về nhau. Cô ước mình không được sinh ra, không phải con của bố mẹ, lúc nào trong đầu cũng nghĩ đến những tình huống tiêu cực... và luôn muốn được giải thoát khỏi không khí gia đình nặng nề vì cãi vã.

Một kết quả điều tra cho thấy, khi trẻ em chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau, 85,4% luôn có tâm trạng buồn phiền và lo sợ, 20% sợ hãi, 8,5% không hiểu được bố mẹ và 4,2% không tôn trọng bố mẹ. Điều đáng nói, rất nhiều phụ huynh không biết việc mình đang làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý cũng như nhận thức của con. Kết quả từ một nghiên cứu khác cũng cho thấy yếu tố gia đình ảnh hưởng và tác động mạnh nhất đến định hướng giá trị nhân cách của trẻ, có tới 86% cho rằng học hỏi và tiếp nhận những kỹ năng sống, cách giao tiếp, cách ứng xử xã hội từ bố mẹ và các thành viên trong gia đình. 55% nói rằng, bố mẹ, ông bà, anh chị mình chính là biểu tượng, hình mẫu cho sự phấn đấu và hoàn thiện nhân cách.

Do đó, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, trong gia đình cần thiết phải có những quy định cụ thể mà mỗi thành viên phải chấp hành. Bố mẹ là người tập cho con thực hiện những quy định này thì bản thân họ phải là những người gương mẫu. Kể cả khi xảy ra mâu thuẫn, các cặp vợ chồng nên có ý thức tôn trọng nhau và tôn trọng cả con cái của mình. Thay vì cãi vã, các cặp vợ chồng nên cùng nhau thảo luận dựa trên sự tôn trọng, biến cãi vã thành tranh luận nhẹ nhàng. Một số người lý giải, chuyện tranh luận nhẹ nhàng trước mặt trẻ cũng là điều nên làm để trẻ hiểu mỗi người có một quan điểm riêng nên chuyện bất đồng hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi những đứa trẻ sống trong môi trường hoàn toàn "vô trùng", không một lời tranh luận, khi trưởng thành rất dễ rơi vào tình trạng lúng túng, kém cỏi trong việc nói lên quan điểm riêng hay khi phải giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn. Nhưng để biến cãi nhau thành một cuộc tranh luận mang "tình huống giáo dục" không phải ai cũng làm được. Điều ấy chính bố mẹ lại là người phải rèn luyện.