Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tình người trên những xa lộ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hệ thống giao thông ở Nga không khác biệt nhiều so với các nước châu Âu khác, cũng có những cung đường đầy ắp xe cộ, kẹt xe giờ tan tầm... Tuy nhiên, văn hóa giao thông (VHGT) ở xứ sở Bạch dương thì cả thế giới phải học hỏi: đó là sự nhân văn, nhường nhịn và giúp đỡ nhau trên từng centimet.

Giao thông nhân văn

Trong chuyến thăm nước Nga hồi tháng 8 vừa qua, ngoài việc được tận mắt chiêm ngưỡng và trải nghiệm hệ thống tàu điện ngầm nổi tiếng hiện đại nhất thế giới, VHGT ở Nga đã khiến tôi thực sự ấn tượng. Trật tự, lịch sự và nhân văn... đó là những từ ngữ để nhận xét chung về nét VHGT của người dân Nga.

 
Mỗi toa tàu điện ngầm tại Nga là một bảo tàng nghệ thuật, giúp hành khách có những giây phút thư thái. Ảnh: Russia Today
Mỗi toa tàu điện ngầm tại Nga là một bảo tàng nghệ thuật, giúp hành khách có những giây phút thư thái. Ảnh: Russia Today
Trải nghiệm đầu tiên của tôi là đi bộ. Những tuyến phố của Nga không quá rộng, nhưng xe cộ lại đi theo một trật tự nhất định, tuyệt nhiên không có cảnh chen lấn, bấm còi inh ỏi để vượt. Không phải ở ngõ hẻm nào trên đường phố Nga cũng có những biển báo giao thông ưu tiên riêng cho người đi bộ, nhưng tài xế Nga lại đặc biệt nhạy cảm với hình ảnh của những người qua đường. Thay vì phải "dò xét thái độ" và chờ thời cơ để vượt qua đường như ở Việt Nam, điều rất đặc biệt trong nét VHGT ở Nga là sự nhường nhịn tuyệt đối. Những người sở hữu xe ô tô ở Nga luôn tự nguyện dừng lại khi họ nhìn thấy phía trước con đường cắt ngang có người đi bộ đang cần qua đường. Đó là thói quen của người Nga, nhưng lại khiến du khách khá ngạc nhiên bởi sự lịch sự, văn minh đó, nên đôi lúc cả người lái xe và khách du lịch thả bộ đều chững lại trong phút giây vì chưa hiểu sự "nhường nhịn giao thông" này.

Điều đặc biệt nữa, hệ thống giao thông ở Nga được thiết kế dành cho tất cả mọi người. Tín hiệu chờ đèn xanh, đèn đỏ cho người đi bộ muốn qua đường đều phát ra tiếng kêu bíp bíp rất to. Khi tôi tò mò bởi tiếng kêu này, một nhân viên cảnh sát bảo vệ đường phố đã giải thích rằng, đó là tín hiệu dành cho những người mù phải qua đường một mình. Họ không thể nhìn thấy đèn xanh hay đỏ, nhưng họ có thể nghe tiếng kêu bíp bíp đó để phân biệt khi nào đèn đỏ, đèn xanh.

Ở đâu cũng ngỡ… người nhà

Trải nghiệm thứ hai của tôi là dạo quanh các đường phố của nước Nga bằng xe ô tô. Vào những giờ thấp điểm, đường phố Nga khá thoáng đãng, rộng rãi và dòng xe qua lại đều đặn, vừa phải. Hiếm hoi lắm mới nghe thấy tiếng còi xe. Tuy nhiên, vào giờ tan tầm, các tuyến phố chính của thủ đô Moscow cũng đầy ứ xe ô tô. Những đoàn xe nối dài nhau hàng km, tuy nhiên, không vội vã, không bức xúc và chen lấn, bấm còi, người Nga giải quyết sự ùn tắc giao thông theo đúng như luật lệ và tính cách của họ. 

Người bạn dẫn đường của tôi từng có 20 năm sinh sống ở Moscow kể rằng, thói quen giúp đỡ người qua đường, người gặp nạn khi đang lái xe trên đường đã ăn vào máu của người dân Nga. Anh lý giải rằng, đôi khi ùn tắc giao thông ở Nga không hẳn là do xe cộ quá tải, hoặc những cung đường chật hẹp mà rất có thể, phía trước dòng xe này đang có người cần giúp đỡ. Với 20 năm kinh nghiệm lái xe ở Moscow và đi qua nhiều thành phố của nước Nga, anh bạn người Việt Nam đã chứng kiến nhiều câu chuyện rất cảm động khi lái xe Nga giúp đỡ người qua đường. Anh nhận xét: "VHGT là một trong những nét đặc trưng của người dân Nga. Khi gặp hoạn nạn trên những cung đường ở Nga, ở đâu mình cũng ngỡ như gặp được người thân, bởi sự giúp đỡ nhiệt tình của người Nga luôn khiến người khác rơi lệ vì xúc động". 

Anh kể, nhiều người Việt sống ở Nga lâu năm cũng đã học được nét văn hóa này, nên mỗi khi trở về nước và tham gia giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội, đều luôn nơm nớp lo sợ. Thiết bị giao thông ở Hà Nội hiện đại không kém gì các nước, nhưng thái độ và văn hóa người tham gia giao thông thì rất đáng phải bàn. Việc dừng xe dắt tay một người già qua đường ở Nga là chuyện thường gặp, thì cử chỉ này dường như hơi "xa xỉ" đối với người tham gia giao thông ở Hà Nội.

Trải nghiệm thứ 3 của tôi là đi tàu điện ngầm. Chưa bàn đến sự hoành tráng, hiện đại và kiến trúc đẹp mê hồn tại những nhà ga tàu điện ngầm ở thủ đô Moscow, văn hóa đi tàu điện ngầm ở Nga cũng khiến tôi ngỡ ngàng. Trước khi đến Nga, tôi cũng đã được trải nghiệm những chuyến đi tàu điện ngầm ở một số nước khác, tuy nhiên, ngoài vẻ thích thú vì lạ lẫm, điều đọng lại trong suy nghĩ vẫn là đông đúc và nỗi e dè vì cảm giác lạc lõng trên những khoang tàu chật nêm người. Nhưng khi bước lên tàu điện ngầm ở Moscow, cảm giác lo ngại lập tức được an ủi bằng những nét mặt thân thiện của những người Nga ngồi bên cạnh. Họ sẵn sàng nhường chỗ ngồi khi nhìn thấy vẻ lo sợ và ngợp tốc độ trên khuôn mặt tôi. Người Nga thường tranh thủ thời gian đi tàu điện ngầm để đọc sách và nghe nhạc, vì vậy đối với họ, khoảng thời gian ở trên tàu điện ngầm rất thư giãn, dễ chịu và thái độ của họ đối với người xung quanh cũng giống như tâm trạng thư thái mà họ có.

Trở về từ nước Nga, đem những câu chuyện nghe được và những gì nhìn thấy kể cho bạn bè. Ai cũng ước rằng, nếu VHGT của người Việt cũng được như người Nga, thì có thể tai nạn giao thông ở Việt Nam sẽ giảm đi rất nhiều và hình ảnh một Việt Nam văn minh, lịch sự và nhân văn sẽ làm lay động trái tim của nhiều người dân thế giới.